Ứng cử viên ĐBQH khóa XV Nguyễn Lân Hiếu đơn vị bầu cử số 3 tại thị xã Hoài Nhơn

   

    Đó là anh Nguyễn Lân Hiếu,Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; Phó trưởng bộ môn Tim mạch, Trường Đại học Y Hà Nội; Phó khoa Q2 Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai; Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; Phó Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài; Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; Thành viên Hội Hữu nghị Việt Nam - Cộng hòa Pháp.

    Trong khuôn khổ cho phép, tôi chỉ muốn nói về anh – người chiến sĩ áo trắng với nguồn gốc xuất thân, những đóng góp nho nhỏ, những mong muốn giản dị trước khi trở thành ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 – 2026 của tỉnh Bình Định - vùng đất trung tâm của miền Trung ruột thịt.

    Anh sinh ngày 14/9/1972, trong một gia đình trí thức, bố là GS. Nguyễn Lân Dũng, mẹ là PGS.TS.Đại tá Nguyễn Kim Nữ Hiếu, Thầy thuốc Nhân dân, nguyên Phó GĐ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ông Nội là Nhà giáo Nguyễn Lân (quê xã Ngọc Lập, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên). Ông Ngoại là cố Bộ Trưởng Bộ Giáo Giáo dục & Đào tạo GS.TS Nguyễn Văn Huyên …

 

   

     Với những ảnh hưởng từ hai bên gia đình, trước hết phải kể đến sự giáo dưỡng của người mẹ Nguyễn Kim Nữ Hiếu, qua hồi ức về ông ngoại Nguyễn Văn Huyên và cụ ngoại Phạm Thị Tý:"Người ta sinh ở trên đời/ Phải học cho được nghề tài mới hay/ Người nghề ấy, kẻ nghề này/ Trước là ích quốc, sau này lợi dân"... "Con ơi nghe mẹ nhời này/ Muốn khôn thì phải tìm thầy học nên/ Làm sao cho trả nghĩa đền/ Để yên việc nước kẻo phiền mẹ cha/ Làm trai yêu nước quên nhà/ Nước kia có vẹn thì nhà mới xong/ Sách có câu tạo thế anh hùng/ Văn minh hai chữ so cùng Mỹ - Âu"...

    Nguyễn Lân Hiếu có ông nội là Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân, với câu nói “Bố mẹ chỉ cho các con tri thức, các con cố mà lo học thành tài”. Bản thân anh đã từng say mê, yêu thích và ước mơ trở thành họa sĩ, nhưng cơn bạo bệnh của bà ngoại (bà Vi Kim Ngọc) đã khiến anh nghĩ  lại và chọn nghề y với khát khao có thể làm giảm những cơn đau của bà do bệnh ung thư... và có ảnh hưởng sâu sắc từ mẹ Nữ Hiếu vốn là một bác sĩ Nhi khoa.

 

   

    Nguyễn Lân Hiếu tốt nghiệp nội trú chuyên ngành Tim mạch, trường Đại học Y Hà Nội năm 1999. Bảo vệ luận án Tiến sĩ Y học vào năm 2008. Có lẽ, anh đã tìm được phương pháp cho chính mình từ truyền thống gia đình cũng như sự học hỏi từ chính cha mẹ và những người bác, người chú của mình.

    Anh học được từ bố mình sự quyết tâm và sức làm việc rất ghê ghớm nhưng cũng vô cùng khoa học. Nối nghiệp theo con đường Y khoa của mẹ - Nguyễn Lân Hiếu cảm nhận từ bà lòng yêu thương ân cần đối với bệnh nhân. Anh cũng học được rất nhiều từ người chú – người Thầy – GS.BS.Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Lân Việt. Những điều kiện nền tảng, yếu tố gia đình đã hun đúc và cũng là mục tiêu để anh cố gắng nỗ lực mỗi ngày và với anh - cách học tốt nhất hiệu quả nhất đó là sự tự lập. Tự lập để tự do và sáng tạo. Và tự lập để tự quyết định con đường của mình có như vậy thì những gì mình có được mới thực sự là của mình.

    Tiếng là gia đình trí thức nhưngnhững năm 80, nhà bố mẹ anh không phải giầu.Mẹ Nữ Hiếu, tiếng là con Bộ trưởng, ở Biệt thự, nhà có rất nhiều phòng, nhưng mỗi tối tất cả chui hết vào một cái phòng 16m2 ngủ để tiết kiệm điện. Xong đến giữa đêm mẹ anh sẽ rình lúc mọi người ngủ rồi để dậy tắt quạt đi. Khi mẹ Nữ Hiếu là Chủ nhiệm khoa của Bệnh viện Quân đội 108, bà vẫn phải đi rang lạc bán. Anh tham gia đóng lạc rang cho mẹ đến năm lớp 9, lớp 10.

     Lúc anh sang Pháp tu nghiệp, mẹ Nữ Hiếu cho 100 đôla, 6 tháng đầu, anh ăn cơm trong nhà ăn bệnh viện, lúc rảnh anh tranh thủ đi rửa bát và cuốn nem thuê để kiếm tiền mua quà gửi về Việt Nam. Có lần bà chủ nhà hàng bắt anh cuốn 600 cái nem từ 8g sáng đến 10g đêm.

    Giờ đây, PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu được biết đến là một bác sĩ có nhiều đóng góp, sáng tạo trong can thiệp tim mạch bẩm sinh được bạn bè đồng nghiệp trong nước và quốc tế đánh giá cao. Anh cũng nhận được nhiều bằng khen, giải thưởng cao quý trong nước và quốc tế cho những thành tựu và cống hiến trong lĩnh vực tim mạch.

    Với vai trò chính Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; Phó trưởng bộ môn Tim mạch, Trường Đại học Y Hà Nội; Phó khoa Q2 Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai; Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Là một chuyên gia tim mạch có tên tuổi trong nền Y học Việt Nam, Anh vẫn ngày ngày đến với người bệnh, tiếp tục học tập và nghiên cứu đóng góp vào sự phát triển của nền Y học nước nhà.

    Trong đó, bệnh viện Đại học y Hà Nội là nơi đi đầu trong phát triển y học từ xa, kết nối bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới thông qua công nghệ mạng (Telehealth). Những tháng ngày qua, anh miệt mài đi nhiều nơi kết nối bệnh viện tuyến dưới góp phần cứu chữa thành công những ca bệnh khó ở vùng sâu, vùng xa…

    Từ 2 bệnh viện ban đầu kết nối về Bệnh viện Y Hà Nội là Mường Khương (Lào Cai), Quảng Xương (Thanh Hóa), đến nay, đầu cầu Telehealth đã mở rộng sang Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản, cùng với đó là hơn 200 cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện, xã trong nước. Đó là thành quả của cả tập thể y bác sỹ Bệnh viện Đại học Y, các Thầy giáo, Cô giáo Trường Đại học Y Hà Nội, các chuyên gia trong từng bộ môn trong đó có anh.

    Y học từ xa, kết nối bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới thông qua công nghệ mạng (Telehealth) càng trở nên có ý nghĩa hơn khi dịch Covid-19 bùng phát.
“Đó chính là điều tuyệt diệu của y học không biên giới, với những cuộc hội chẩn khó xuyên quốc gia. Telehealth là bước ngoặt cho y tế Việt Nam”. Không chỉ có vậy, nhằm góp phần tạo môi trường thân thiện và giúp bệnh nhân không phải chờ đợi, anh cùng tập thể Bệnh viện Đại học Y xây dựng và thực hiện việc không in phim chụp, siêu âm. Không chỉ khao khát đổi mới nơi bệnh viện của mình, anh luôn khao khát cả hệ thống y tế Việt Nam sẽ đổi mới theo hướng thông minh, thân thiện, để cả người bệnh và y bác sĩ đều thấy nhẹ nhàng hơn.

    Mặc dù bận rộn với lịch làm việc, công tác, giảng dạy, nghiên cứu nhưng anh vẫn luôn dành thời gian cùng đội tình nguyện của Trường và Bệnh viện tổ chức nhiều chuyến từ thiện, khám bệnh miễn phí cho hàng nghìn người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

    “Chia sẻ tình thương”  là chương trình thiện nguyện do anh và một người bạn thân lập ra và thực hiện suốt 17 năm qua, với hơn 200 chuyến đi. Sau nhiều năm chứng kiến hiện trạng số bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh tái khám sau phẫu thuật vẫn còn quá ít so với thực tế. Có lẽ khó khăn lớn nhất trong việc kết nối các em với các cơ sở y tế vẫn là vấn đề tài chính từ phía gia đình bệnh nhân. Xuất phát từ những trăn trở đó, nhiều năm nay, anh cùng với bạn bè góp tiền mua máy siêu âm xách tay, cùng với nhóm Chia sẻ tình thương (Chiasetinhthuong.org) đến các địa phương làm từ thiện, khám bệnh miễn phí và điều trị sau phẫu thuật đối với trẻ em nghèo bị bệnh tim. Anh đi không chỉ để chữa bệnh, mà còn để xây nên những căn nhà, mái trường, cây cầu…và coi việc chữa bệnh cho người nghèo cũng là một cách để góp phần cống hiến …

    Những bước chân thầm lặng ấy vẫn ngày ngày ân cần đến với người bệnh  - Giản dị trong chiếc áo blue trắng, tiếp tục nghiên cứu, học tập các thành tựu mới để đóng góp vào sự phát triển cho nền Y học nước nhà.

     Lời hứa của anh - ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV tại hội nghị tiếp xúc cử tri tỉnh Bình Đình, là những lời tâm huyết của người thầy Thuốc - thầy Giáo – người đại biểu Nhân dân: giản dị, chân thành thiết thực như chính con người anh: “Tôi xin hứa cho dù có trúng cử hay không trúng cử ĐBQH, chương trình Telehealth tư vấn chữa bệnh từ xa sẽ vẫn bao phủ tất cả các huyện của Bình Định. Người dân và ngay cả các nhân viên y tế sẽ luôn được sự hỗ trợ của các chuyên gia, các giáo sư, bác sĩ đầu ngành. Tôi sẽ là cầu nối đưa những nhà đầu tư tâm huyết đến với vùng đất giàu tiềm năng và những người dân chăm chỉ chất phác. Mặt khác, là thành viên tích cực của Quỹ Sống, tôi cũng có trách nhiệm đấu tranh với các dự án đầu tư xâm hại đến môi trường và sức khỏe của người dân, đảm bảo một tỉnh Bình Định xanh, đẹp và phát triển bền vững; góp phần nhỏ bé của mình trong việc an sinh xã hội tại địa phương. Hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, các em nhỏ sẽ có đủ điều kiện đến trường, chữa bệnh. Sẽ có những trường học được tu bổ, xây mới …Trong thời gian tới, để hoàn thành được nhiệm vụ, chắc chắn rằng rất cần sự quan tâm phối hợp, hỗ trợ vì khả năng giới hạn so với mong ước to lớn của mình. Tôi rất mong nhận được sự ủng hộ của bà con cử tri và các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, mong muốn được cử tri tín nhiệm, giao nhiệm vụ là người đại diện, tiếp thu và truyền tải những kiến nghị chính đáng của cử tri đến cấp có thẩm quyền giải quyết”.

          Xin được mượn lời của nhà thơ Thanh Hải để nói về anh:

“Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc”


BBT  (Cập nhật ngày 18-05-2021)



  • Currently 3.67/5

Kết quả: 3.7/5 - (3 phiếu)

Các tin liên quan:
Ca khúc Hoài NhơnCông báo tỉnh Bình ĐịnhĐường dây nóngkêu gọi đầu tưVăn bản về phòng chống dịch covid -19Phản ánh kiến nghịdanhgiahailongDich vu cong truc tuyenThông tin tuyển dụngHướng dẫn cái đặt BlozoneTra cứu quy hoạchm  xây dựngNop Ho SoCông khai ngân sáchĐỀ TÀI KHOA HỌCCổng dịch vụ công quốc giaBộ thủ tục hành chính cấp huyệnBộ thủ tục hành chính cấp xãLuật thống kêTài liệu họp trực tuyếnNgười phát ngônHồ sơ đề xuất cấp GPMTĐánh giá công chứcThư xin lỗibản đồ hành chinh Việt NamBộ nhận diện Chuyển đổi sốDubaothoitiet

  Liên kết web