Chuẩn bị nội dung các văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hiện nay các cấp ủy và tổ chức đảng trên cả nước nói chung, tỉnh Bình Định và huyện Hoài Nhơn nói riêng đã và đang tiến hành tổng kết nhiệm kỳ về công tác xây dựng đảng và đề xuất sửa đổi bổ sung Điều lệ Đảng Khóa XII. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn đảng nhằm đánh giá những ưu điểm, khuyết điểm về công tác xây dựng đảng trong nhiệm kỳ 2015-2020 và đề ra phương hướng nhiệm kỳ đến; đánh giá kết quả thi hành Điều lệ Đảng để khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn. Giới hạn về mặt nội dung, bài viết này tôi xin phép được nêu quan điểm cá nhân, tham gia góp ý, đề nghị sửa đổi bổ sung Điều lệ Đảng Khóa XII và các quy định liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng.

    Ngoài những vấn đề chung nhất, nhìn chung Điều Lệ Đảng Khóa XII hiện hành đã quy định những vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác xây dựng đảng nói chung, trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát nói riêng...là đáp ứng được yêu cầu của việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Điều lệ Đảng Khóa XII và những quy định, nhất là Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 về thi hành Điều lệ Đảng, Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc, xét thấy cần đề xuất sửa đổi bổ sung Điều lệ Đảng Khóa XII và những quy định khác liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát của Đảng cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đó là:.

    Thứ nhất,đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng không quy định việc thi hành kỷ luật đối với đảng viên dự bị; bổ sung quy định điều kiện kết nạp lại đối với các trường hợp đảng viên vi phạm bị xóa tên nói chung, vi phạm trong thời gian dự bị bị xóa tên nói riêng và đảng viên vi phạm bị thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi đảng.

     Điều lệ Đảng quy định, đảng viên dự bị, nếu vi phạm trong thời gian thử thách (12 tháng) thì có thể bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo; nếu xét thấy không còn đủ tư cách thì xóa tên chứ không áp dụng hình thức khai trừ. Theo quan điểm của cá nhân tôi, đã là đảng viên vừa mới kết nạp, thời gian thử thách quy định như vậy là tương đối ngắn mà đã vi phạm thì chứng tỏ đảng viên đó chưa có ý thức phấn đấu vào đảng; trường hợp này chỉ nên áp dụng một hình thức duy nhất là xóa tên có lẽ phù hợp hơn. Việc quy định hình thức xử lý đối với đảng viên dự bị vi phạm (khiển trách, cảnh cáo, xóa tên) như hiện nay không thể hiện rõ về bản chất của việc xử lý, dễ gây nhầm lẫn. (Xóa tên không phải là hình thức kỷ luật như khiển trách và cảnh cáo). Thế nhưng, hậu quả pháp lý đối với trường hợp đảng viên bị xóa tên và đảng viên vi phạm bị khai trừ, nhất là điều kiện để kết nạp lại với hai đối tượng này chưa được quy định một cách rõ ràng. Tác động của việc xóa tên hay khai trừ ra khỏi đảng đều là việc đảng viên đó không còn sinh hoạt trong tổ chức đảng nữa. Tuy nhiên, điều kiện được kết nạp lại đối với đảng viên vi phạm bị xóa tên thì có vẻ như khá “ngặt nghèo” hơn trường hợp đảng viên vi phạm bị kỷ luật khai trừ. Quy định về cách thức đưa một đảng viên ra khỏi hàng ngũ của đảng hay điều kiện kết nạp lại đối với các đối tượng này chưa thể hiện được tính nguyên tắc; tính đồng bộ và thống nhất trong việc thi hành Điều lệ Đảng

    Thứ hai, đề nghị sửa đổi bổ sung Điều lệ Đảng theo hướng phân cấp mạnh hơn về thẩm quyền giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng cuối cùng cho BCH Đảng bộ cấp tỉnh. Bởi vì, theo quy định trước đây, không phân biệt về hình thức kỷ luật, đảng viên được quyền khiếu nại đến tất cả 12 cấp, cao nhất là BCH Trung ương. Mặc dù, quy định hiện hành đã được giảm xuống còn tối đa 9 cấp và thời hạn tối đa cho việc giải quyết khiếu nại kỷ luật, đến cấp giải quyết cuối cùng có thể lên đến trên 1.000 ngày như vậy, cũng còn quá dài. Theo chúng tôi, tùy theo đối tượng bị thi hành kỷ luật, hình thức kỷ luật để quy định giới hạn việc khiếu nại; thẩm quyền giải quyết khiếu nại cuối cùng cho hợp lý hơn. Có thể theo hướng chỉ giới hạn 4 – 5 cấp đối với khiếu nại hình thức khiển trách, cảnh cáo; 6-7 cấp tùy theo hình thức cách chức, đối tượng bị cách chức mà quy định cấp giải quyết khiếu nại cuối cùng có thể chỉ đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư hoặc Bộ Chính trị. Riêng hình thức khai trừ có thể giữ nguyên như quy định hiện hành, nghĩa là được phép khiếu nại đến cấp cao nhất là BCH Trung ương.

    Thứ ba, đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về tính thống nhất và đồng bộ giữa kỷ luật Đảng và Nhà nước. Bởi vì, theo quy định hiện hành, kỷ luật giữa Đảng và Nhà nước phải đảm bảo tính đồng bộ. Như thế nào là đồng bộ, có trường hợp, vì cho rằng đồng bộ không có nghĩa là bằng nhau nên về mặt đảng kỷ luật cảnh cáo nhưng chính quyền, đoàn thể lại kỷ luật khiển trách và ngược lại. Có trường hợp, vì cho rằng đồng bộ là phải bằng nhau nên về mặt đảng kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo thì chính quyền cũng phải kỷ luật tương ứng (tức là cùng mức khiển trách hoặc cảnh cáo).

    Thứ tư, đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự xử lý kỷ luật về đảng và chính quyền, đoàn thể sao cho hợp lý, khắc phục tình trạng, cùng một đối tượng và nội dung vi phạm nhưng cùng một lúc có cả hai hệ thống cơ quan cùng giải quyết khiếu nại. Xét về vấn đề có tính nguyên tắc trong kỷ luật, đảng viên vi phạm có quyền khiếu nại nhưng phải chấp hành quyết định xử lý kỷ luật kỷ luật đảng của tổ chức đảng có thẩm quyền; nguyên tắc, đảng phát hiện trước thì xử lý trước, sau đó trong thời hạn nhất định, cơ quan có thẩm quyền phải làm văn bản đề nghị Nhà nước xử lý tiếp theo và ngược lại. Ở huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đã có trường hợp đảng viên bị chi bộ xử lý kỷ luật và sau đó thủ trưởng cơ quan xử lý về mặt chính quyền; sau đó cán bộ, đảng viên này đồng thời khiếu nại cả hai quyết định. Cùng một thời điểm, cả hai hệ thống cơ quan cùng tiến hành giải quyết khiếu nại kỷ luật. Để tạo sự đồng thuận, thông thường hai bên phải tiến hành trao đổi, thống nhất cùng thay đổi hình thức kỷ luật (tăng, giảm) hay giữ nguyên.

   Trường hợp, nếu hai bên cùng thể hiện tính độc lập trong quá trình giải quyết thì cũng xảy ra tình trạng, bên nào kết luận giải quyết trước (thay đổi hay chuẩn y ) thì bên giải quyết, kết luận sau cũng lấy đó làm cơ sở để kết luận cho mình. Tuy nhiên, khác với khiếu nại kỷ luật về chính quyền, chỉ hai cấp giải quyết là có hiệu lực thì hành còn khiếu nại quyết định xử lý kỷ luật về đảng phải qua rất nhiều cấp giải quyết mới có kết luận cuối cùng. Đây là một vấn đề mang tính thực tiễn cần đánh giá, tổng kết nhằm hoàn thiện hệ thống lý luận về công tác xử lý kỷ luật đối với đảng viên, cán bộ, công chức và viên chức.  


Phạm Dân  (Cập nhật ngày 22-07-2019)



  • Currently 2.50/5

Kết quả: 2.5/5 - (2 phiếu)

Các tin liên quan:
Ca khúc Hoài NhơnCông báo tỉnh Bình ĐịnhĐường dây nóngkêu gọi đầu tưVăn bản về phòng chống dịch covid -19Phản ánh kiến nghịdanhgiahailongDich vu cong truc tuyenThông tin tuyển dụngHướng dẫn cái đặt BlozoneTra cứu quy hoạchm  xây dựngNop Ho SoCông khai ngân sáchĐỀ TÀI KHOA HỌCCổng dịch vụ công quốc giaBộ thủ tục hành chính cấp huyệnBộ thủ tục hành chính cấp xãLuật thống kêTài liệu họp trực tuyếnNgười phát ngônHồ sơ đề xuất cấp GPMTĐánh giá công chứcThư xin lỗibản đồ hành chinh Việt NamBộ nhận diện Chuyển đổi sốDubaothoitiet

  Liên kết web