Anh Tuấn
60 năm chuyến tàu không số duy nhất cập bến Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, sự thần kỳ của Đường Hồ Chí Minh trên biển và lòng dũng cảm của thủy thủ tàu mang vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường Khu V luôn in đậm trong lịch sử dân tộc. Với người dân Bình Định nói chung và Hoài Nhơn nói riêng, sự kiện này tô thắm truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương đất võ.
Sau Hiệp định Giơnevơ, tháng 5/1959, Ngô Đình Diệm ban hành Luật 10-59, chúng liên tiếp mở những đợt tàn sát “Tố cộng, diệt cộng”, lê máy chém khắp miền Nam; đàn áp, thủ tiêu hàng vạn người tham gia kháng chiến và người dân vô tội. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 15 xác định nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới và vạch đường lối cho cách mạng miền Nam, khẳng định con đường giải phóng miền Nam là “con đường cách mạng bạo lực”.
Thực hiện Nghị quyết 15, Quân ủy Trung ương đã khẩn trương chỉ đạo mở đường vận tải chiến lược để đưa người và vũ khí từ hậu phương lớn là miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau thời gian chuẩn bị 2 tháng, 2 tiểu đoàn vận tải chiến lược ra đời: Tiểu Đoàn 604 lên núi mở đường Trường Sơn; Tiểu Đoàn 603 xuống biển mở đường chi viện vũ khí bằng đường biển.
Ngày 27/01/1960, đêm 30 Tết Canh Tý, con thuyền đầu tiên của Tiểu đoàn 603 lặng lẽ tạm biệt Sông Gianh ra khơi vận chuyển 5 tấn vũ khí và thuốc men vào Quân Khu 5 cập bến đèo Hải Vân nhưng không thành do gặp bão. Tuy vậy, với yêu cầu của chiến trường miền Nam, Bộ Chính trị đã quyết định mở tuyến đường vận tải chiến lược bằng đường biển song song với tuyến đường Trường Sơn.
Cuối năm 1961 đầu 1962, các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh, Bà Rịa đã cử 6 thuyền gỗ ra miền Bắc an toàn. Những chuyến ra Bắc của đội thuyền Nam Bộ đã rút kinh nghiệm đi trên biển Bắc- Nam dưới sự kiểm soát của Hải quân Mỹ-Ngụy. Đây là tiền đề vững chắc cho việc thiết lập con đường biển chiến lược Bắc- Nam. Sau một thời gian ngắn bộ máy chỉ đạo để tổ chức mở đường chiến lược được hình thành và đi vào hoạt động, người phụ trách là Trung tướng Trần Văn Trà, Phó Tổng tham mưu trưởng và các bộ phận giúp việc, đơn vị vận tải chiến lược trên biển ra đời mang phân hiệu Đoàn 759, Trung tá Đoàn Hồng Phước được bổ nhiệm làm Đoàn trưởng, công tác tổ chức chuẩn bị được triển khai như: sửa chữa các tàu thuyền Nam Bộ, đóng mới 4 chiếc, xây cầu tàu “K15” ở gần Hòn Dấu (Đồ Sơn).
Trung tuần tháng 8 năm 1962, Quân ủy Trung ương thông qua nghị quyết mở đường vận chuyển chiến lược biển.Từ đây, Đoàn 759 bước vào một giai đoạn vận chuyển để làm nên con đường huyền thoại – Đường Hồ Chí Minh trên biển. Đêm ngày 11/10/1962 chiếc tàu gỗ đầu tiên chở 30 tấn vũ khí do đồng chí Lê Văn Một làm thuyền trưởng, đồng chí Bông Văn Dĩa làm chính trị viên rời bến Đồ Sơn cập bến Vàm Lũng an toàn ngày 16/10/1962, khẳng định đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành hiện thực. Từ đó đến tháng 12/1962 đã hoàn thành 4 chuyến cập bến Cà Mau đưa được 111 tấn vũ khí vào Quân Khu 9 an toàn.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho Đoàn 759 hoàn thành nhiệm vụ, tháng 8/1963 Thường trực Quân ủy Trung ương quyết định giao Đoàn 759 cho Quân chủng Hải quân. Ngày 29/01/1964 quyết định thay phân hiệu Đoàn 759 thành Đoàn 125 Hải quân.Sau hơn 2 năm tính từ chuyến mở đường ngày 11/10/1962 đến tháng 2/1965, ta đã tổ chức 121 chuyến tiếp tế cho chiến trường kể cả những chuyến đưa cán bộ trung cao cấp của Đảng và quân đội vào Nam. Số vũ khí vận chuyển tiếp tế là 5.318 tấn.
Khoảng cuối năm 1964, đường Trường Sơn mới vươn tới vùng 3 biên giới chủ yếu chi viện cho Tây Nguyên và vùng giáp ranh liên khu 5. Trong khi đó, vùng đồng bằng ven biển liên khu 5 phong trào cách mạng phát triển mạnh, nhiều làng, xã được giải phóng, lực lượng vũ trang phát triển nhanh chóng nhưng gặp phải khó khăn lớn là thiếu vũ khí. Vì thế Bộ tổng tham mưu giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Hải quân nghiên cứu vận chuyển vũ khí vào Khu 5.
Đầu năm 1960, đồng chí Trần Phi Khanh (hay còn gọi là: Trần Ngọc Mỹ) quê Ân Hữu, Hoài Ân, Bình Định được điều động từ 603 về Bình Định làm cán bộ tham mưu cho tỉnh đội nhưng thực chất là lo bến bãi cho tàu không số đưa vũ khí vào. Đây là nhiệm vụ được quán triệt với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Tỉnh ủy và tỉnh đội. Để ngụy trang, đồng chí được bổ sung vào ban cán sự phía nam huyện Hoài Nhơn và các xã Đông Bắc huyện Phù Mỹ với tư cách là cán bộ quân sự tham gia công tác phát động quần chúng xây dựng cơ sở. Sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu chỉ có thôn Lộ Diêu xã Hoài Mỹ là hội đủ các yếu tố về bến bãi lại là vùng có truyền thống cách mạng, cơ sở đảng,tổ chức đoàn thể hoạt động mạnh và đã thành lập được lực lượng du kích bảo vệ an toàn cho việc tập kết vũ khí. Trung ương đã chỉ thị cho Bình Định thành lập Bộ phận chuyên trách gọi là HB15 để chuẩn bị đón tàu do đồng chí Trương Trọng Hạng – Tỉnh đội phó tham mưu trưởng trực tiếp chỉ huy,đồng thời thành lập 2 đại đội được chọn lọc kỹ về chính trị, huấn luyện kỹ về chiến đấu, kỹ thuật công binh, quân giới, chuẩn bị hệ thống kho trên núi, đào hầm ngụy trang bảo đảm bí mật, không ẩm ướt và được trang bị đài 15W thường xuyên liên lạc với Bộ.
Ngày 20/6/1964, đội tàu 401 được thành lập thuyền trưởng là đồng chí Phạm Vạn, chính trị viên Đặng Văn Thanh, phó thuyền trưởng Trần Phi Khanh, đội thuyền bổ sung Trần Phấn (Hải quân), thuyền phó phụ trách hàng hải và 8 thuyền viên. 18h00, ngày 14/9/1964 đội tàu làm lễ xuất phát tại hội trường của Binh đoàn Bính Động (Hải Phòng), buổi lễ được tổ chức trang nghiêm, đại tá Nguyễn Bá Phát thay mặt Bộ Tư lệnh nêu lên tầm quan trọng chuyến đi có tính chất lịch sử này để mở đường vào Khu 5 thực hiện quyết tâm của Trung ương Đảng ta để chi viện cho chiến trường, các đồng chí đội tàu 401 đã tuyên thệ hoàn thành tốt nhiệm vụ. 04h50 phút, ngày 15/9/1964 đội tàu 401 xuất phát với 30 tấn vũ khí và 6 tấn chất nổ, khi tàu ra khỏi cửa Nam Triệu gặp gió đông bắc thổi mạnh, ra khỏi Long Châu gió lớn, sóng to,trước tình hình thời tiết nguy hiểm, chi bộ quyết định cho tàu quay trở lại.
Ngày 10/10/1964, đội tàu 401 xuất phát lần 2 từ cảng Hải Phòng tiến thẳng cảng Hải Nam (Trung Quốc) để đánh lạc hướng sự theo dõi của địch, ra khỏi Vịnh Bắc Bộ lại gặp bão tàu phải tạm lánh vào đảo Hải Nam. Đêm ngày 25/10/1964 nghe thông báo từ Đài khí tượng thủy văn, gió đã giảm, tàu 401 tiếp tục hành trình, tàu xuất phát bến Hải Nam đến hải phận quốc tế vượt qua sóng gió cấp 5 cấp 7, tàu trải qua 5 lần hỏng máy, có lúc tàu bị thả trôi đến nữa giờ. Tuy vậy, với tinh thần anh dũng, ý chí quyết tâm toàn đội quyết định đi tiếp, phó thuyền trưởng Trần Phấn đo phương vị khoảng cách xác định điểm chuyển hướng xong, các đồng chí trên tàu hạ buồm vắt lưới ngang, đúng như loại thuyền đánh cá của dân, một số đồng chí khác bơm phao sẵn sàng chiến đấu, chốc chốc lại gặp tàu của hạm đội 7 Mỹ nhưng chúng không thể ngờ rằng tàu Việt cộnglại dám ngang nhiên đi trước mặt chúng.
Trưa ngày 30/10 đang trên hướng vào bờ, một máy bay địch bám theo, thuyền phó Trần Phấn cầm cờ “3 que” phát ra hiệu cho chúng là thuyền đánh cá. Sau đó, máy bay bay vào phía bờ, các thủy thủ nhận định vào gần bờ có thể gặp tàu tuần tiểu của địch. Lúc này Đoàn 125 đã điện báo cho tàu 401 biết địch đang càn ở Mỹ Thọ cách bến Lộ Diêu khoảng 20 km. Với sự mưu trí dũng cảm tàu 401 đã đánh lừa tàu tuần dương của địch, vượt qua giông gió đến nữa đêm ngày 31/10 tàu bắt được bờ, tăng tốc xác định vị trí mãi đến 4h sáng tàu mới đến được bến, xác định không thể giao vũ khí rời bến trước khi trời sáng nên Ban chỉ huy quyết định đưa tàu vào cạn mở hết tốc độ đâm thẳng vào bờ chồm lên bãi cát vận chuyển nhanh vũ khí rồi tiêu hủy xác tàu.
Với sự chuẩn bị thận trọng, chu đáo theo kế hoạch, ta cho gác 2 đầu đèo “nội bất xuất, ngoại bất nhập” tổ chức bảo vệ tàu và vũ khí, huy động toàn bộ lực lượng, quần chúng phân ra đào hầm, chôn dấu vũ khí ở chân núi tạm thời. Sau khi chuyển xong vũ khí cho tháo máy tàu đổ dầu đặt kíp nổ cho cháy tàu, đồng thời cho quân chúng nhân dân loan tin tàu cá của dân bị sóng đánh dạt vào bốc cháy. Cùng ngày ta tiếp tục huy động cán bộ xã, thôn, đảng viên, Nhân dân Lộ Diêu, Phú Thứ chuyển vũ khí lên kho tạm trên núi để lực lực lượng bộ đội chuyên trách chuyển về kho bí mật an toàn.
Tàu không số cập bến Lộ Diêu là con tàu đầu tiên mở bến khu 5, là con tàu duy nhất cập bến vùng biển Bình Định, là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Bình Định nói chúng, thị xã Hoài Nhơn nói riêng. Với sự dũng cảm thông minh mưu trí của cán bộ chiến sĩ tàu không số đã vượt qua bão tố, đánh lừa địch, tận dụng thời cơ, phối hợp chặt chẽ lực lượng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương, nhất là thôn Lộ Diêu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa tàu cập bến an toàn. Từ đó, quân ta mở các đợt tấn công giành nhiều chiến công vang dội trên khắp chiến trườngvới những trận đánh lớn như: An Lão (12/1964), Đèo Nhông - Dương Liễu, Đồi Mười, Gò Bồi (2/1965)... và mở ra vùng giải phóng liên hoàn, cắt đường số 1 từ Bồng Sơn đi Quảng Ngãi, ta tạo ra thế và lực mới bước vào giai đoạn chống chiến tranh cục bộ của Mỹ - Ngụy.Thắng lợi của tàu không số cập bến Lộ Diêu góp phần vào những chiến công của đường Hồ Chí Minh trên biển, khẳng định chủ trương đường lối đúng đắn của Đảng ta. Ghi nhận những chiến công ấy, ngày 20/5/2005, Di tích bãi biển Lộ Diêu-nơi cập bến tàu không số được UBND tỉnh Bình Định công nhận xếp hạng Di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 338/QĐ-UB. Đây là niềm vinh dự tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định nói riêng, của Hải quân Việt Nam và nhân dân cả nước nói chung.
Những năm qua, thị xã Hoài Nhơn luôn xác định việc đầu tư tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử to lớn của Di tích lịch sử Bãi biển Lộ Diêu - nơi cập bến Tàu không số chi viện vũ khí vào khu V nhằm để tri ân, tôn vinh lòng quả cảm của những chiến sĩ cách mạng năm xưa, của tình đoàn kết gắn bó keo sơn, quân dân dưới ngọn cờ vẻ vang Đảng; đồng thời, xây dựng nơi đây thành một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống, một điểm tham quan du lịch về nguồn sinh động, nguyên sơ hấp dẫn trên quê hương Lộ Diêu, Hoài Mỹ giàu truyền thống cách mạng.Năm 2018-2019, được sự quan tâm của Bộ Tư lệnh Hải quân, Cục chính trị quân chủng Hải quân, sự thống nhất cao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định và các sở, ngành đã phối hợp chặt chẽ với Huyện ủy, UBND huyện Hoài Nhơn (nay là thị xã Hoài Nhơn) điều chỉnh mở rộng quy hoạch Di tích từ 6825 m2 lên 15.000 m2 và đã đầu tư, tôn tạo Di tích giai đoạn 1 với kinh phí trên 15 tỷ đồng, Đến nay, các hạng mục trên đã cơ bản hoàn thiện để phục vụ khách tham quan.
Để tiếp tục hoàn thiện Di tích này trở thành địa chỉ đỏ về truyền thống của Hải quân Việt Nam, điểm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, theo định hướng phát triển chung của thị xã. Trong thời gian đến, thị xã sẽ tiếp tục hoàn thành quy hoạch, huy động nguồn lực để đầu tư, chỉnh trang khu di tích to đẹp, đàng hoàng hơn, góp phần phấn đấu xây dựng thị xã Hoài Nhơn lên một vị thế mới, xứng đáng với vai trò trung tâm kinh tế - xã hội phía Bắc tỉnh Bình Định trở thành đô thị loại III vào 2025, thành phố trực thuộc tỉnh trước 2030.
Anh Tuấn (Cập nhật ngày 28-10-2024)
- Currently 2.00/5
Kết quả:
2.0/5 - (1 phiếu)- Hoài Nhơn đánh giá 4 năm thực hiện ngày vì người nghèo và sơ kết 70 ngày thực hiện đợt thi đua cao điểm 200 ngày vì người nghèo (16-10-2024)
- Chủ tịch UBND thị xã dự khai giảng năm học tại trường THCS Hoài Đức (06-09-2024)
- Hoài Nhơn tuyên dương, khen thưởng vận động viên đạt thành tích thể thao xuất sắc (06-09-2024)
- Ngày hội La Vuông-Cao nguyên xanh vẫy gọi (04-09-2024)
- Ban Tổ chức tỉnh ủy bàn giao nhà Đại đoàn kết tại Hoài Nhơn (27-08-2024)
BẢN QUYỀN THUỘC VỀ ỦY BAN NHÂN DÂN THỊ XÃ HOÀI NHƠN
Địa chỉ: 06 - Đường 28/3 - Phường Bồng sơn - TX.Hoài Nhơn - Bình Định
Tel:+84.0256.3761265 - Fax: +84.0256.3861094
Email: ubndthixahoainhon@hoainhon.binhdinh.gov.vn
Công tác viên gửi tin bài về địa chỉ email: uybannhandanthixahoainhon@gmail.com
Đường dây nóng thông báo sự cố về an toàn thông tin: 02563761265
Chịu trách nhiệm nội dung:Nguyễn Lê Anh Tuấn - Chánh Văn phòng HĐND và UBND thị xã