Ảnh: Các đại biểu dâng hương,dâng hoa tại Đài tưởng niệm Di tích bãi biển Lộ Diêu. (ảnh: Văn Lưu/baobinhdinh.vn)

     

    Ngày 16/12, tại bãi biển Lộ Diêu, thôn Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định), Bộ Tư lệnh Hải quân cùng Huyện ủy, UBND, UBMTTQVN huyện Hoài Nhơn long trọng tổ chức lễ dâng hương và khánh thành Đài tưởng niệm Di tích bãi biển Lộ Diêu - nơi cập bến tàu không số chi viện vũ khí từ miền Bắc vào chiến trường Khu 5.

     Bến Lộ Diêu là một trong những điểm tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc chi viện cho miền Nam bằng đường biển; là bến tiếp nhận vũ khí đầu tiên của Quân khu V, một trong những bến tàu đã tạo nên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển. Bến Lộ Diêu đã được công nhân là Di tích cấp tỉnh vào năm 2005.

Ngày 20/6/1964, đội tàu 401 được thành lập với 11 chiến sĩ, do đồng chí Phạm Vạn (quê Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng. Ngày 14/9/1964, đội tàu xuất phát từ Hải Phòng chi viện cho Quân khu V với 30 tấn vũ khí, 6 tấn chất nổ. Khi tàu ra khỏi cửa Nam Triệu thì gặp gió lớn, buộc phải quay lại.

    Thông tin tại buổi lễ, ông Lê Văn Nốt (trú thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, Hoài Nhơn, Bình Định), nguyên chiến sĩ tàu không số trong chuyến đi kể trên cho biết: Đến ngày 10/10/1964, đội tàu lại xuất phát từ Cảng Hải Phòng đi thẳng đến đảo Hải Nam (Trung Quốc), nhưng lại gặp bão và là chỉ là tàu gỗ thô sơ nên tàu tạm lánh vào đảo Hải Nam.

    Ngày 25/10, tàu lại tiếp tục khởi hành vào miền Nam, trên hải trình, tàu nhiều lần bị hỏng máy. Tàu phải ngụy trang đúng như tàu đánh cá của ngư dân, cả lúc máy bay địch bám theo thì Phó thuyền trưởng Trần Phấn liền cầm cờ “3 que” ra hiệu cho địch là tàu đánh cá, đánh lừa cả tàu tuần dương của địch.

    Tuy nhiên sau đó, khi đến khu vực bến Lộ Diêu thì tàu bị hỏng máy, cong bánh lái. Sau nhiều lần sửa chữa không được nên Thuyền trưởng Phạm Vạn quyết định chỉ huy tàu đâm thẳng vào bờ, bốc dỡ nhanh vũ khí ngay trong buổi sáng 30/10.

    Sau khi tiến hành chôn dấu vũ khí ở khu vực chân núi, cả đội tiến hành đặt kíp nổ làm cháy tàu để tiêu hủy, đồng thời cho loan tin là tàu cá ngư dân bị đâm vào bờ cháy. Điều đáng nói là sau khi cất giấu vũ khí an toàn, chỉ có thuyền trưởng Phạm Vạn cùng báo vụ tàu ở lại và đã hy sinh cùng tàu.

    Sau đó, tàu không số (nhưng thực tế mang số hiệu 41) do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh chỉ huy sau khi giao xong vũ khí tại bến Vũng Rô vào ngày 28/11/1964 thì quay ra đón các chiến sĩ về miền Bắc cũng bằng đường biển.

    Như vậy, tàu không số cập bến Lộ Diêu là tàu không số vận chuyển vũ khí đầu tiên cho Quân khu V và là chuyến tàu không số duy nhất cập bến vùng biển Bình Định. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tá Hồ Đắc Thạnh, nguyên Thuyền trưởng tàu không số là người tham gia vận chuyển 3 chuyến vũ khí vào tỉnh Phú Yên nói riêng và 12 chuyến vào miền Nam nói chung. Ông cho biết chính những vũ khí do những con tàu không số mang vào đã góp phần tạo nên chiến thắng An Lão, Đèo Nhông-Dương Liễu, góp phần thay đổi cục diện chiến trường miền Nam để đi đến thống nhất đất nước.

 Toàn cảnh Di tích Tàu không số Lộ Diêu. (Ảnh: Phạm Kha – TTXVN).

    Theo ông Cao Thanh Thương- Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định): Năm 2005, Di tích bãi biển Lộ Diêu được UBND tỉnh Bình Định công nhận xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh. Năm 2018-2019, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành đã phối hợp với huyện Hoài Nhơn điều chỉnh mở rộng quy hoạch Di tích từ 6.825 m2 lên 15.000 m2 để đầu tư, tôn tạo Di tích giai đoạn 1 gồm: Kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng của địa phương 2,3 tỷ đồng, kinh phí đầu tư tôn tạo Đài tưởng niệm, Bia di tích và các hạng mục phụ trợ kè đất, sân vườn, điện nước, đèn chiếu sáng do Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân hỗ trợ hơn 13,5 tỷ đồng. Đến nay, các hạng mục trên đã cơ bản hoàn thiện để phục vụ khách tham quan. Điểm nhấn của Di tích này là một phần con tàu được làm bằng đá, mô phỏng con tàu không số năm xưa. Đây là nơi ghi nhớ công ơn của những chiến sỹ "tàu không số 401" và là địa điểm giáo dục truyền thống cách mạng đối với người dân huyện Hoài Nhơn.

    Cũng theo ông Thương, trong thời gian đến, huyện Hoài Nhơn sẽ tiến hành lập quy hoạch chi tiết, đầu tư giai đoạn 2 từ nguồn hỗ trợ của tỉnh 4 tỷ đồng, ngân sách huyện và các nguồn hợp pháp khác để hoàn thành kè biển, nâng cấp cải tạo mặt bằng sân vườn và tạo điểm nhấn là nhà đón tiếp trưng bày nội dung chuyên đề về đường Hồ Chí Minh trên biển./.


Theo: dangcongsan.vn  (Cập nhật ngày 18-12-2019)



  • Currently 1.50/5

Kết quả: 1.5/5 - (2 phiếu)

Các tin liên quan:
Ca khúc Hoài NhơnCông báo tỉnh Bình ĐịnhĐường dây nóngkêu gọi đầu tưVăn bản về phòng chống dịch covid -19Phản ánh kiến nghịdanhgiahailongDich vu cong truc tuyenThông tin tuyển dụngHướng dẫn cái đặt BlozoneTra cứu quy hoạchm  xây dựngNop Ho SoCông khai ngân sáchĐỀ TÀI KHOA HỌCCổng dịch vụ công quốc giaBộ thủ tục hành chính cấp huyệnBộ thủ tục hành chính cấp xãLuật thống kêTài liệu họp trực tuyếnNgười phát ngônHồ sơ đề xuất cấp GPMTĐánh giá công chứcThư xin lỗibản đồ hành chinh Việt NamBộ nhận diện Chuyển đổi sốDubaothoitiet

  Liên kết web