Những ngày giữa tháng 7 chúng tôi đến thăm Chợ Cát xã Hoài Hảo, nơi mà cách đây 70 năm quân và dân Hoài Nhơn đã làm nên chiến thắng Chợ Cát oanh liệt đi vào lịch sử vào ngày 20.7.1949. Lòng cảm thấy tự hào khi cảm nhận được sự thay da đổi thịt trên vùng đất anh hùng năm xưa.

     Chợ Cát thuộc thôn Tấn Thạnh, xã Hoài Hảo. Mảnh đất này đã đi vào những trang sử hào hùng của quân và dân Hoài Nhơntrong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nơi diễn ra những trận đánh ác liệt, tiêu biểu là trận đánh vào ngày 20.7.1949.

     Sau thất bại trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, quân Pháp buộc phải thay đổi chiến lược từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang đánh lâu dài, “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Bước vào giai đoạn 1948 - 1949, quân ta mở đợt hoạt động quân sự sôi nổi trên toàn Liên khu V. Tháng 6.1949, Liên khu mở chiến dịch Bắc Tây Nguyên, tấn công địch dài ngày trên diện rộng. Để giảm áp lực trong chiến dịch này, quân Pháp chủ trương mở cuộc càn quét đánh vào hậu phương của ta ở Bắc Hoài Nhơn, trọng điểm là Tam Quan - Chợ Cát, một vùng trù phú có nhà ga xe lửa, hệ thống kho tàng, xưởng sản xuất và một số cơ quan của Liên khu, lại nằm gần bờ biển thuận tiện cho việc đổ bộ và rút lui.

     Khoảng 1 giờ sáng ngày 20.7.1949, quân Pháp chia làm 3 cánh, dùng tàu chiến bất ngờ đổ bộ vào vùng biển Bắc Hoài Nhơn; trong đó có 1 cánh tiến thẳng lên chiếm Chợ Cát. Nhờ sự chuẩn bị trước và tinh thần cảnh giác cao, ngay từ lúc địch đổ quân, các đài quan sát của ta đã theo dõi và báo động chiến đấu.

     Tại Chợ Cát, bộ đội huyện và dân quân xã đã chặn đánh địch; nhưng do lực lượng quá ít, lại trang bị vũ khí thô sơ nên phải rút dần vào vị trí an toàn. Lúc này, Tiểu đoàn 50 thuộc Trung đoàn chủ lực 210 của Liên khu vừa hành quân từ Bắc Tây Nguyên về đóng quân tại xã Hoài Xuân. Đại đội 51, đơn vị chủ công của tiểu đoàn, được lệnh gấp rút hành quân đến Hoài Hảo tiếp ứng.

     Bộ đội chủ lực ta đụng độ quân địch tại Chợ Cát, lực lượng chênh lệch (địch có 1 tiểu đoàn, ta có 1 đại đội; quân địch có hỏa lực mạnh lại chiếm được địa hình có lợi và bố trí sẵn). Song, với tinh thần quyết chiến quyết thắng, các anh tận dụng từng gốc dừa, gò mối, hào giao thông, vừa nổ súng vừa tiếp cận địch. Cuộc chiến diễn ra quyết liệt suốt chiều 20.7. Không chịu nổi, địch phải tháo chạy, co cụm ở ga Tam Quan.

     Trong đêm 20.7, ta tổ chức pháo kích vào ga Tam Quan. Sáng 21.7, pháo hạm từ tàu chiến địch bắn dữ dội vào các khu vực xung quanh ga Tam Quan và hai bên đường từ cổng xe lửa đi Thiện Chánh, yểm trợ cho quân địch tháo chạy xuống tàu. Trận chống càn Chợ Cát kết thúc thắng lợi, ta tiêu diệt hơn 200 tên địch và bẻ gãy cuộc hành quân vào vùng tự do ven biển của tỉnh. Đây là trận càn lớn của Pháp đánh vào vùng tự do của ta, địch dùng chiến thuật bất ngờ nhưng cuối cùng âm mưu của chúng không đạt được như mong muốn, ta hoàn toàn chủ động đánh địch. Chiến thắng này không những có ý nghĩa về mặt chiến lược quân sự mà còn cả về mặt chính trị.

     Và trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mảnh đất Chợ Cát- Hoài Hảo lại chứng kiến thêm một kỳ tích lớn lao chỉ trong 4 ngày đêm cuối tháng 1.1966, tại Chợ Cát, bộ đội chủ lực và dân quân Hoài Hảo đã tiêu diệt hàng trăm tên địch, bắn rơi và phá hủy hàng chục trực thăng, bắn cháy 33 xe quân sự…, góp phần đập tan cuộc hành quân lớn mang tên “Cái chày” của sư đoàn không vận Mỹ vào huyện Hoài Nhơn, làm thất bại cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất (1965-1966) của đế quốc Mỹ ở Bắc Bình Định.

     Đã 70 năm trôi qua, tại Chợ Cát - nơi diễn ra những trận đánh hào hùng năm xưa đã thay da đổi thịt từng ngày, chúng tôi dạo quanh một vòng hai xã Hoài Hảo và Hoài Phú và khó có thể nhận ra đây là mảnh đất từng bị bom cày, đạn xới, đã từng xảy ra các trận chiến ác liệt trong 2 cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc, bởi giờ đây trên quê hương này đang được thay bằng một tấm áo mới, không còn là những con đường đất lầy lội mà là những con đường được bê tông hóa, những cánh đồng xanh ngát bạt ngàn những ngôi trường, ngôi nhà được xây dựng, khang trang, lộng lẫy… Ở xã Hoài Hảo, với sự nỗ lực phấn đấu, của cả hệ thống chính trị, đến cuối năm 2017 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM, bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, cơ sở hạ tầng về giao thông thủy lợi, trường học, văn hóa được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố, phát triển sản xuất được quan tâm hỗ trợ, thu nhập người dân nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo được giảm bền vũng, công tác kiểm tra giám sát được thực hiện thường xuyên, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ cấp thôn xã được nâng lên đáng kể, an ninh trật tự trên địa bàn xã được giữ vững. Hiện xã đang tập trung nâng cao các tiêu chí nông thôn mới và xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Nói về những kết quả mà xã nhà đạt được trong những năm qua, Ông Thái Văn Bồng – Bí thư Đảng ủy kiêm chủ tịch UBND xã Hoài Hảo cho biết: Hoài Hảo cũng đang chuyển mình đi lên với giá trị tổng sản phẩm hằng năm tăng 8 - 9%, thu nhập đầu người tăng 11%. Đặc biệt là kết cấu hạ tầng KT-XH được nâng cấp và phát triển, hệ thống giao thông nông thôn, kênh mương được bê tông hóa.

      Không riêng gì Hoài Hảo mà Hoài Phú cũng đã nỗ lực từ khó khăn vươn lên phát triển, Đảng ủy chính quyền và nhân dân xã đã tập trung cho công cuộc xây dựng NTM, bởi xác định được đây là một chủ trương lớn đồng thời từ chương trình NTM sẽ làm thay đổi bộ mặt của xã, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Đến cuối năm 2018 cùng với 4 xã còn lại của huyện, xã Hoài Phú cũng đã về đích NTM, thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng/người/năm, tổng sản phẩm địa phương đạt trên 228 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,45%, giải quyết việc làm cho 295 lao động tại địa phương, xây dựng đạt mới 5 tiêu chí NTM, đến nay xã đã đạt được 16/19 tiêu chí, và sẽ phấn đấu đạt chuẩn NTM vào quý II năm 2015.

     Là một vùng đất anh hùng, giàu truyền thống cách mạng, chính vùng đất này đã có hàng ngàn người con anh dũng hi sinh, ngã xuống cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc, do đó, trong những năm qua cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội thì chế độ chăm sóc, phụng dưỡng những người có công với cách mạng cũng được quan tâm hàng đầu. Các chế độ, chi trả trợ cấp xã hội cho các đối tượng luôn đầy đủ và kịp thời, nhân các ngày lễ, tết cán bộ xã đều tổ chức thăm tặng quà, động viên khuyến khích, giúp họ thêm tin yêu vào cuộc sống, thật sự là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. Chúng tôi đến thăm nhà cựu chiến binh Phạm Thừa, người từng trực tiếp tham gia vào chiến thắng Chợ Cát vào những ngày cuối tháng 1 năm 1966, làm thất bại cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất (1965-1966) của đế quốc Mỹ ở Bắc Bình Định. Giờ đây trên vùng đất anh hùng này, ông cảm nhận được sự chuyển mình trỗi dậy, sự hồi sinh mạnh mẽ của một vùng đất cát bạc màu, ông Thừa bày tỏ: “Nhất là những năm gần đây, chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo sức bật cho địa phương, từng công trình điện, đường, trường, trạm hiện lên, người dân rất phấn khởi. Điều đó khiến chúng tôi thấy vui lây vì sự hy sinh, cống hiến của các thế hệ quân và dân Hoài Nhơn đã được đền đáp xứng đáng”.

     Cùng với nhiều địa phương khác trong huyện, Đảng bộ và chính quyền 2 xã  không ngừng học hỏi đổi mới và phát huy những thế mạnh ở địa phương để xã nhà ngày càng phát triển, cuộc sống của nhân dân càng ấm no, hạnh phúc. Hoài Hảo – Hoài Phú đang chuyển mình đi lên với diện mạo của nông thôn mới và viết tiếp trang sử của thời kì dựng xây của quê hương anh hùng.


Thái Ngân  (Cập nhật ngày 25-07-2019)



  • Currently 1.00/5

Kết quả: 1.0/5 - (2 phiếu)

Các tin liên quan:
Ca khúc Hoài NhơnCông báo tỉnh Bình ĐịnhĐường dây nóngkêu gọi đầu tưVăn bản về phòng chống dịch covid -19Phản ánh kiến nghịdanhgiahailongDich vu cong truc tuyenThông tin tuyển dụngHướng dẫn cái đặt BlozoneTra cứu quy hoạchm  xây dựngNop Ho SoCông khai ngân sáchĐỀ TÀI KHOA HỌCCổng dịch vụ công quốc giaBộ thủ tục hành chính cấp huyệnBộ thủ tục hành chính cấp xãLuật thống kêTài liệu họp trực tuyếnNgười phát ngônHồ sơ đề xuất cấp GPMTĐánh giá công chứcThư xin lỗibản đồ hành chinh Việt NamBộ nhận diện Chuyển đổi sốDubaothoitiet

  Liên kết web