Cách đây gần 54 năm, vào cuối tháng 10 năm 1964, tại bãi biển Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, chuyến tàu Không số[1] vượt hành trình đường Hồ Chí Minh trên biển đầu tiên vận chuyển vũ khí từ hậu phương miền Bắc vào chi viện cho chiến trường khu V được cán bộ, bộ đội, du kích và nhân dân địa phương bảo vệ, vận chuyển an toàn.

     Thôn Lộ Diêu nằm cách trung tâm xã Hoài Mỹ, khoảng 7 km, nằm sát biển giữa hai mỏm nhô ra của dãy núi Chóp Chài, hai đầu có hai đèo ra xã Hoài Mỹ vào thôn Phú Thứ (Mỹ Đức). Lộ Diêu còn có tên gọi Bang Bang, khu vực ven bờ có độ nước sâu khoảng 1,8m – 2,1m, chiều dài thôn trải dọc theo bờ biển 3km, diện tích 3 km2 và diện tích đất nông nghiệp là 1450 ha. Nơi đây có địa hình khá hiểm trở, trong những năm kháng chiến chống Mỹ là chiếc nôi cách mạng, nhân dân có truyền thống kiên cường, bám làng, bảo vệ lực lượng cộng sản, du kích Lộ Diêu, Hoài Mỹ đã bắn cháy hai hải thuyền của địch[2]. Vào nữa đầu năm 1964, xã Hoài Mỹ trở thành địa bàn đánh phá ác liệt, địch gom dân xây dựng các ấp tân sinh giáp núi từ Công Lương đến Định Trị, các vùng giải phóng từ tháng 10/1963 hầu như không còn, các cơ sở cách mạng hoạt động vô vàn khó khăn.

     Vào ngày 20 tháng 6 năm 1964, Đội tàu 401 thực hiện nhiệm vụ đưa Tàu không số cấp bến Lộ Diêu được thành lập, thuyền trưởng là đồng chí Phạm Vạn, quê ở Quảng Nam, Chính trị viên Đặng Văn Thanh quê Khánh Hòa, và hai thuyền phó là Trần Phi Khanh và Trần Phấn quê ở Bình Định, 8 thuyền viên có đồng chí Lê Nốt quê ở Lộ Diêu. Trong đội chỉ có đồng chí Trần Phấn là cán bộ của hải quân được đào tạo qua trường của quân chủng. Đội tàu được giao cho sứ mệnh quan trọng mở đường vào khu V, thực hiện quyết tâm của Trung ương Đảng, tạo mọi điều kiện chi viện cho chiến trường miền Nam. Lần xuất phát đầu tiên vào ngày 15 tháng 9 năm 1964 tại Bính Động, Hải Phòng, mang theo 30 tấn vũ khí và 6 tấn chất nổ. Vì đợt gió đông bắc thổi mạnh, tàu phải quay về và xuất phát lần thứ hai vào ngày 10 tháng 10 cùng năm. Vượt qua bao khó khăn, nguy hiểm trên biển, lại luôn bị sự theo dõi, đeo bám rất sát của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ ở ngoài khơi, nhưng với sự thông minh, mưu trí cán bộ, chiến sỹ trên tàu Không số đã đánh lừa địch và tận dụng tốt thời cơ, đến nữa đêm ngày 31 tháng 10 năm 1964 tàu bắt được bờ, cập bến bãi biển Lộ Diêu.

     Trước đó, Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đã chỉ đạo Ban An ninh tỉnh kịp thời cho an ninh hai huyện Phù Mỹ, Hoài Nhơn xuống địa bàn, tổ chức phát động giáo dục quần chúng thôn Lộ Diêu xã Hoài Mỹ và thôn Phú Thứ xã Mỹ Đức nâng cao cảnh giác, tuyệt đối bảo vệ bí mật. Theo Kế hoạch, vào đêm tàu cập bến ta cho gác hai đầu đèo, tổ chức bảo vệ tàu và vũ khí, huy động toàn bộ lực lượng cơ sở, quần chúng tốt, phân ra đào hầm trên bãi cát từ tàu đến chân núi chôn giấu vũ khí tạm thời. Sau khi chuyển xong vũ khí, cho tháo máy tàu, đổ dầu, đặt kíp vào thuốc cho nổ cháy tàu. Đồng thời cho quần chúng loan tin tàu đánh cá của dân bị dạt vào bốc cháy. Ban cán sự phía Nam đã huy động 1000 dân trong xã Hoài Mỹ chỉ trong vòng một ngày đã vận chuyển và chôn cất xong toàn bộ số vũ khí. Trong hai đêm tiếp theo, lực lượng xung kích và bộ độ đã chuyển toàn bộ vũ khí về căn cứ an toàn. Đây là chuyến tàu đầu tiên vào khu V cập bến thắng lợi, an toàn về người và vũ khí, là thành tích đặc biệt của huyện ta. Nhờ có vũ khí chi viện từ miền Bắc vào, lực lượng vũ trang của huyện được trang bị mạnh hơn, tạo điều kiện cho các hoạt động tiến công địch. Ngày 12/11/1964 ta tiến công phá ấp Định Công diệt 40 tên và một số ác ôn, tiếp đó tiến công địch ở ấp Mỹ Thọ và trụ sở xã Hoài Mỹ, phía Bắc huyện ta san bằng ấp Hi Văn. Thừa thắng quân và dân đồng loạt phá tan gần hết các ấp ở Hoài Sơn, Hoài Châu, Hoài Hảo, Tam Quan Nam, Hoài Thanh. Từ tháng 12/1964, Bộ Tư lệnh Quân khu V mở các hoạt động nhằm tiêu diệt một bộ phận quân chủ lực ngụy, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy phá kiểm, diệt ác, giải phóng một số vùng ở đồng bằng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa. Tại tỉnh Bình Định, ta giành những thắng lợi vang dội tại An Lão (tháng 12/1964), cứ điểm Đồi 10 – Gia Hựu, Hoài Châu (Hoài Nhơn) và Đèo Nhông – Dương Liễu (Phù Mỹ) vào tháng 2/1965,…

     Di tích bãi biển Lộ Diêu là địa chỉ lưu niệm sự kiện tiêu biểu trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ của quân và dân Bình Định nói riêng và của khu V nói chung. Tàu Không số cập bến Lộ Diêu là con tàu đầu tiên vận tải theo đường Hồ Chí Minh trên biển mở bến khu V và là chuyến tàu không số duy nhất cập bến ở Bình Định trong kháng chiến chống Mỹ. Những con tàu Không số như những anh hùng liệt sĩ vô danh và chuyến tàu cập bến Lộ Diêu đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình góp phần làm nên những chiến thắng trong chiến dịch Đông – Xuân (1964 – 1965) trên chiến trường khu V. Sự kiện tàu không số cập bến Lộ Diêu có ý nghĩa lịch sử to lớn, viết nên trang sử hào hùng của đường Hồ Chí Minh trên biển, tiêu biểu cho ý chí, quyết tâm, đường lối đấu tranh sáng tạo, linh hoạt và tinh thần bất khuất anh hùng của quân và dân ta.



[1]Gọi là tàu Không số nhưng đều có số hiệu

[2]Bài viết sử dụng tư liệu lịch sử Đảng bộ huyện Hoài Nhơn giai đoạn 1930 – 1975


Thanh Diệu  (Cập nhật ngày 27-08-2018)



  • Currently 1.00/5

Kết quả: 1.0/5 - (1 phiếu)

Các tin liên quan:
Ca khúc Hoài NhơnCông báo tỉnh Bình ĐịnhĐường dây nóngkêu gọi đầu tưVăn bản về phòng chống dịch covid -19Phản ánh kiến nghịdanhgiahailongDich vu cong truc tuyenThông tin tuyển dụngHướng dẫn cái đặt BlozoneTra cứu quy hoạchm  xây dựngNop Ho SoCông khai ngân sáchĐỀ TÀI KHOA HỌCCổng dịch vụ công quốc giaBộ thủ tục hành chính cấp huyệnBộ thủ tục hành chính cấp xãLuật thống kêTài liệu họp trực tuyếnNgười phát ngônHồ sơ đề xuất cấp GPMTĐánh giá công chứcThư xin lỗibản đồ hành chinh Việt NamBộ nhận diện Chuyển đổi sốDubaothoitiet

  Liên kết web