So với năm 2012 trên địa bàn huyện Hoài Nhơn xảy ra 75 vụ bạo lực gia đình thì đến năm 2017 số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn huyện đã giảm xuống còn 4 vụ. Có được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống bạo lực gia đình cũng như áp dụng triệt để các quy định của Nhà nước trong việc xử lý các hành vi bạo lực gia đình.

     Là địa phương dẫn đầu trên địa bàn huyện về phòng, chống bạo lực gia đình, những năm qua xã Hoài Xuân đã có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng để ngăn ngừa tình trạng bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn xã. Ông Lê Kim Lên – Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Xuân cho biết: “Xã rất chú trọng xây dựng các câu lạc bộ, nhóm phòng chống bạo lực gia đình ở từng thôn, xóm, trong đó vai trò của quần chúng nhân dân rất quan trọng. Nơi nào xảy ra bạo lực gia đình, người dân biết phản ảnh đến câu lạc bộ, nhóm thì các thành viên của nhóm, tổ sẽ trực tiếp đến gia đình đó để tuyên truyền, hòa giải, nhắc nhở. Đối với những trường hợp tái phạm lần 2, xã sẽ mời về trụ sở giáo dục, tới lần 3 sẽ phạt hành chính và viết cam kết nếu tái phạm lần thứ 4 sẽ đưa đi cơ sở giáo dưỡng. Nhờ làm quyết liệt, triệt để nên trong những năm qua số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn xã giảm đáng kể, riêng 6 tháng đầu năm 2018 ở xã không ghi nhận trường hợp bạo lực gia đình nào xảy ra”.

     Không riêng gì xã Hoài Xuân, công tác phòng chống phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn huyện được các ngành chức năng từ huyện đến địa phương hết sức quan tâm, từ năm 2013, 2014 huyện Hoài Nhơn đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo công tác gia đình cấp huyện, xã, thị trấn. Dưới hoạt động của Ban chỉ đạo, công tác tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình được tổ chức thực hiện bằng nhiều hình thức như trực quan, truyền thanh, sinh hoạt câu lạc bộ, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, liên hoan, hội thi, tọa đàm…

     Theo đó, hiện nay trên địa bàn toàn huyện có 57 pano từ cỡ trung đến cỡ lớn, hơn 200 pano treo tuyên truyền về xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình. Đặc biệt, tại các thôn, khối hương ước văn hóa được hoàn thiện quy định nhiều nội dung cụ thể đối với cộng đồng dân cư và từng gia đình về thực hiện nếp sống văn minh. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật gia đình, phòng chống bạo lực gia đình còn được triển khai thông qua hệ thống Tư pháp, Hội Luật gia, Nhóm nòng cốt, Tổ hòa giải cơ sở.

Ngoài ra, các địa phương trong huyện cũng thường xuyên tổ chức các đợt truyền thông cao điểm về phòng, chống bạo lực gia đình vào tháng hành động Quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với Phụ nữ và trẻ em gái, truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình gắn với các hoạt động tuyên truyền công tác gia đình,... Nhờ đó đã góp phần nâng cao ý thức của người dân đặc biệt là phụ nữ trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

     Bên cạnh đó, việc xây dựng và nhân rộng mô hình về gia đình được chú trọng thực hiện. Đến nay, toàn huyện có 10 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững được phát triển tại 10 thôn, với hơn 300 hội viên, 10 câu lạc bộ gia đình hạnh phúc gồm 620 thành viên; 15 câu lạc bộ đình không sinh con thứ ba gồm 1.650 hội viên, 4 CLB phòng, chống BLGĐ.

     Song song với các mô hình, câu lạc bộ, tại các địa phương trong huyện cũng đã thành lập các nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; thiết lập đường dây nóng đảm bảo thông tin liên lạc đối với nạn nhân bạo lực gia đình.

     Ông Trương Hồng Thủy – Trưởng phòng văn hóa và thông tin huyện Hoài Nhơn cho biết: ”Hầu hết nạn nhân bị bạo lực gia đình đều có tâm lý e ngại, không dám trình bày với người ngoài nên khó phát hiện, xử lý đối với các đối tượng có hành vi bạo hành cũng như các nạn nhân bị bạo hành vì thế mà càng bị bạo hành nhiều hơn. Nắm bắt được tâm lý đó nên huyện Hoài Nhơn đã sớm thành lập và nhân rộng các đường dây nóng, điểm tạm lánh để cho nạn nhân bị bạo lực gia đình được hỗ trợ, giúp đỡ, phản ánh. Tính đến nay, toàn huyện có 59 nhóm phòng chống bạo lực gia đình, 57 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 70 đường dây nóng đảm bảo thông tin liên lạc đối với nạn nhân bị bạo lực gia đình và 17 điểm làm nơi tạm lánh, tư vấn, điều trị cho nạn nhân bị bạo lực gia đình”.

     Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, để kịp thời  ngăn chặn và xử lý các hành vi bạo lực gia đình, từ năm 2012 đến nay, các ngành chức năng của huyện và địa phương cũng đã tiến hành góp ý 209 trường hợp, giáo dục 3 trường hợp, xử phạt hành chính 17 trường hợp và xử lý hình sự 2 trường hợp bạo lực gia đình. Nhờ đó góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn huyện.


Ánh Nguyệt  (Cập nhật ngày 18-07-2018)



  • Currently 1.00/5

Kết quả: 1.0/5 - (1 phiếu)

Các tin liên quan:
Ca khúc Hoài NhơnCông báo tỉnh Bình ĐịnhĐường dây nóngkêu gọi đầu tưVăn bản về phòng chống dịch covid -19Phản ánh kiến nghịdanhgiahailongDich vu cong truc tuyenThông tin tuyển dụngHướng dẫn cái đặt BlozoneTra cứu quy hoạchm  xây dựngNop Ho SoCông khai ngân sáchĐỀ TÀI KHOA HỌCCổng dịch vụ công quốc giaBộ thủ tục hành chính cấp huyệnBộ thủ tục hành chính cấp xãLuật thống kêTài liệu họp trực tuyếnNgười phát ngônHồ sơ đề xuất cấp GPMTĐánh giá công chứcThư xin lỗibản đồ hành chinh Việt NamBộ nhận diện Chuyển đổi sốDubaothoitiet

  Liên kết web