Hoài Nhơn được mệnh danh là "Đất mẹ anh hùng" với niềm tự hào của bao thế hệ về một vùng quê giàu truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng. Tháng 8-1930, Chi bộ Đảng Cộng Sản được thành lập ở thôn Cửu Lợi. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trên mảnh đất này liên tục nổ ra các phong trào đấu tranh cách mạng. 43 năm sau ngày giải phóng, diện mạo Hoài Nhơn hôm nay đã có nhiều đổi thay, văn minh hơn, giàu đẹp hơn, là địa phương phát triển kinh tế, xã hội năng động phía bắc tỉnh Bình Định.

    Vừa kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân ta lại bước vào trận chiến đấu mới, chống Đế quốc Mỹ xâm lược. Trong cuộc trường chinh cứu nước vĩ đại của dân tộc, Hoài Nhơn là một trong những địa bàn trọng điểm địch đánh phá ác liệt, là nơi chúng tung ra các chiến lược, chiến thuật, các âm mưu thủ đoạn nham hiểm và độc ác nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng nước ta.  

    Từ năm 1955-1959, bọn Mỹ-Nguỵ triển khai thực hiện chính sách “Tố cộng, diệt cộng”. Chúng xây dựng nhiều nhà tù, trại giam; truy bắt, giam giữ và thủ tiêu những người kháng chiến và nhân dân trong huyện. Điển hình là vụ tàn sát hàng trăm người ở Nhà thờ Thác Đá (Hoài Đức), bãi cát An Đông (Bồng Sơn), Đá Bàng (Hoài Hảo), bãi cát Đồng Chu (Hoài Châu), cửa biển Tam Quan,…Chúng lập ra “Hai sông, 3 núi”, xây dựng hàng rào ngăn cách giữa vùng rừng núi với đồng bằng, dồn dân vào các ấp chiến lược, gây cho ta gặp nhiều khó khăn, tổn thất. Nhưng với truyền thống cách mạng kiên cường, quân và dân Hoài Nhơn vẫn trước sau như một, sắc son một lòng, một dạ theo Đảng, vượt qua khó khăn, thử thách, anh dũng đấu tranh chống quân thù, giữ vững được cơ sở cách mạng.

    Từ năm 1960-1965, Đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, dùng quân đội Nguỵ làm tay sai tiến hành cuộc chiến tranh đàn áp  phong trào cách mạng Miền Nam. Chúng tập trung đánh phá vùng rừng núi phía Tây và Đông Nam của huyện. Đồng thời, tăng cường xây dựng hệ thống chính quyền, tiếp tục thực hiện chính sách “Tố cộng, diệt cộng”, quản thúc số đảng viên cũ, khủng bố các gia đình có người tham gia kháng chiến. Đêm ngày 4 rạng sáng ngày 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ (1965), ta tập kích đánh vào cứ điểm Đồi 10, diệt gọn 2 đại đội, bắt toàn bộ bọn ác ôn ở 3 xã: Hoài Châu, Hoài Sơn, Hoài Hảo. Đòn tiến công quân sự đã hỗ trợ quần chúng nhân dân trong huyện nổi dậy bao vây, bứt hàng, làm tan rã hàng loạt đồn bót địch, giải phóng toàn bộ 9/12 xã trong huyện, buộc địch phải co cụm vào Quận lỵ Bồng Sơn và một phần của xã Hoài Tân và Hoài Đức. Vùng giải phóng của ta được mở rộng, chính quyền cách mạng được thành lập, nhân dân được tự do.

    Mùa khô năm 1966, quân Mỹ-Nguỵ mở cuộc càn quét với quy mô lớn. Chúng thả bom rải thảm ven chân núi Hưng Nhượng, sư đoàn kỵ binh không vận số 1 Mỹ ào ạt đổ quân xuống khu vực Chợ Cát, Cửu Lợi,  Trường Xuân, An Thái, Tài Lương. Cùng lúc, địch đổ 5 tiểu đoàn quân Nguỵ xuống Gia Hựu, Chương Hoà, rừng Quýt. Bộ đội chủ lực phối hợp với bộ đội huyện và du kích địa phương kiên cường bám trụ đánh lui nhiều đợt tiến công của địch, làm cho quân địch hoang mang, khiếp sợ. Trong các trận thắng lớn ở An Thái, Chợ Cát, Đồi 10, Cửu Lợi, Tường Sơn, Liễu An, Thành Sơn, ta đã tiêu diệt hàng nghìn tên Mỹ-Nguỵ, bắn rơi hàng chục máy bay; phá huỷ hàng trăm xe quân sự các loại.

    Trong 02 năm 1966-1967, đã diễn ra hàng trăm lượt đấu tranh chính trị, binh vận với nhiều hình thức đa dạng, buộc chúng phải chấp nhận yêu sách của nhân dân.         

    Thực hiện Chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Quân và dân Hoài Nhơn đã đồng loạt tiến công hàng chục chốt điểm và khu dồn của địch, diệt hàng trăm tên, phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh. Tiêu biểu là trận tập kích của đơn vị D40 Đặc công phối hợp với nội tuyến đánh vào Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 40 Nguỵ) ở Tài Lương, tập kích đánh vào Đệ Đức,… tiêu diệt hàng trăm tên địch, phá huỷ 13 máy bay. Cùng với đòn tấn công vũ trang, hàng vạn quần chúng trong toàn huyện đã nổi dậy bao vây, bứt hàng hàng chục chốt điểm của địch. Tiêu biểu có hơn 6.000 đồng bào ở Tam Quan, Hoài Châu kéo đến bao vây Quận lỵ Tam Quan. Ở phía Nam, hàng ngàn quần chúng từ các xã: Hoài Mỹ, Hoài Hương, Hoài Xuân đã tiến vào bao vây Quận lỵ Bồng Sơn và Chi cảnh sát ngụy, làm cho bọn địch hoang mang, khiếp sợ.

    Với chiến thắng của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, quân và dân huyện ta đã góp phần cùng với quân dân cả nước đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và tiếp đến sau này là "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ ngụy. Chỉ trong vòng 20 ngày của chiến dịch Xuân-Hè 1972, quân dân ta đã quét sạch toàn bộ hệ thống 117 chốt điểm, tiêu diệt và làm tan rã hơn 10.000 quân địch, giải phóng hoàn toàn huyện nhà vào ngày 02/5/1972. Đây là huyện đầu tiên ở miền Nam có đường quốc lộ 1A được giải phóng hoàn toàn, cắt đứt giao thông đường bộ của địch suốt từ tháng 5 đến tháng 7 năm 1972.

    Sau khi hiệp định Pa-ri được ký kết, Mỹ- Nguỵ vẫn âm mưu xảo quyệt, tăng cường lực lượng, phương tiện chiến tranh, mở chiến dịch "tràn ngập lãnh thổ" hòng lấn chiếm vùng giải phóng của ta. Với quyết tâm giữ vững vùng giải phóng, lực lượng vũ trang địa phương phối hợp với Sư đoàn 3 Sao Vàng kiên cường bám trụ đánh địch. Chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt, cuối cùng ta đã bẻ gãy hàng trăm đợt tấn công của địch, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng của ta.

    Thực hiện chiến dịch tiến công và nổi dậy mùa Xuân - 1975, với tinh thần: “Thôn giải phóng thôn, xã giải phóng xã”, lấy vũ khí địch đánh địch. Bằng ba mũi giáp công quân và dân Hoài Nhơn đồng loạt tiến công các chốt điểm của địch trên địa bàn huyện. Ta đã bao vây tiêu diệt bức rút hầu hết các chốt điểm, buột địch phải co cụm về quận lỵ Tam Quan. Đêm ngày 26/3/1975, ta mở cuộc tiến công vào chi khu quận lỵ Tam Quan, sau hơn 1 giờ chiến đấu, ta đã làm chủ hoàn toàn, Tam Quan được giải phóng. Thừa thắng xông lên ta tiến công truy kích địch. Đến 10 giờ ngày 28/3/1975 ta đánh chiếm Quận lỵ Bồng Sơn, Hoài Nhơn được hoàn toàn giải phóng, góp phần giải phóng tỉnh Bình Định và giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.

    Trong cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và oanh liệt đó, nhân dân Hoài Nhơn đã có nhiều đóng góp và hy sinh to lớn. Toàn huyện có 11.282 liệt sỹ, 8.764 thương, bệnh binh, có 2.075 mẹ đã được trao tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà Mẹ Việt Nam anh hùng; có 49 tập thể và cá nhân Anh hùng lực lượng vũ trang và 12.676 hộ gia đình có công với cách mạng. Có hàng chục ngàn tổ chức và cá nhân được Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương các loại. Ngoài ra còn nhiều đồng chí đồng bào ngoài huyện đã cùng quân dân Hoài Nhơn chiến đấu và hy sinh trên mảnh đất Hoài Nhơn.

    Sau ngày giải phóng đến nay, Đảng bộ và nhân dân Hoài Nhơn tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao đời sống nhân dân. Kinh tế của huyện tiếp tục tăng trưởng và phát triển khá. Giá trị sản xuất công nghiệp – TTCN năm 2017 đạt 96,6% kế hoạch, tăng 19,4% so năm 2016, các cụm công nghiệp và khu chế biến thủy sản tập trung Tam Quan Bắc hoạt động có hiệu quả, thu hút trên 70 doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho gần 8.000 lao động. Toàn huyện có 04 làng nghề truyền thống, trên 3.500 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, giải quyết việc làm cho trên 11.000 lao động. Các hoạt động thương mại, dịch vụ, tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, hệ thống truyền thanh tiếp tục phát triển đã tác động tích cực đến nền kinh tế và đời sống nhân dân trong huyện.

    Sản xuất nông ngư lâm nghiệp tiếp tục phát triển. Kinh tế biển được xác định là ngành kinh tế quan trọng của huyện, toàn huyện có 2.268 tàu cá, công suất trên 1.100.000 CV, trong đó có trên 80% ngư dân đã cải hoán tàu thuyền có công suất lớn, đánh bắt xa bờ. Sản lượng khai thác hải sản bình quân hơn 43.000 tấn/năm; trong đó, nghề câu cá ngừ đại dương là một thế mạnh của ngư dân Hoài Nhơn.  Hiện nay tàu thuyền của huyện có mặt trong tất cả các ngư trường cả nước, nhiều tàu trang bị kỹ thuật đánh bắt hiện đại.

    Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai và nhanh chóng đi vào cuộc sống, được người dân đồng tình ủng hộ. Qua gần 7 năm thực hiện, đến nay, kết cấu hạ tầng kinh tế nông nghiệp - nông thôn từng bước được tăng cường đầu tư, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt. Đến nay, 10/15 xã trên địa bàn huyện đã được công nhận đạt Chuẩn nông thôn mới.

    Lĩnh vực quy hoạch và đầu tư xây dựng được quan tâm. Huyện đã quy hoạch chung tỷ lệ 1/2000 Khu chức năng đặc thù dân cư, dịch vụ, thương mại dọc bờ biển Hoài Nhơn, Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hệ thống cảng cá, Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và dịch vụ hậu cần nghề cá Tam Quan, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, Quy hoạch chung đô thị Hoài Nhơn đến năm 2035. Nhiều công trình, dự án được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả. Hiện nay, huyện đang kiến nghị Trung ương, tỉnh đầu tư một số dự án, công trình như: Đập ngăn mặn sông Lại Giang, Di tích lịch sử lưu niệm Cuộc biểu tình tại Cây số 7 Tài Lương, mở rộng Bệnh viện ĐKKV Bồng Sơn, Trung tâm Y tế huyện. Công tác lập lại trật tự đô thị, trật tự xây dựng, chỉnh trang đô thị tiếp tục được quan tâm. Tập trung chỉ đạo, điều hành dự toán ngân sách ngay từ đầu năm, thực hành tiết kiệm chống lãng phí chi tiêu ngân sách. Tổng thu ngân sách phát sinh trên địa bàn năm 2017 trên 300 tỷ đồng, bằng 119% dự toán năm.

    Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tốt. Chất lượng dạy và học nâng lên rõ rệt, số học sinh giỏi các cấp tăng lên hằng năm. Đội ngũ giáo viên bổ sung về số lượng và nâng cao về chất lượng, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn 98%. Đến nay, toàn huyện 74,65% số trường được công nhận đạt Chuẩn Quốc gia. Ở 4 cấp học đều được nhận cờ do UBND tỉnh tặng. Chỉ đạo thực hiện Đề án hạn chế tình trạng học sinh bỏ học trên địa bàn huyện đạt kết quả tốt. Công tác y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình, nâng cao sức khỏe vị thành niên được chú trọng. Chỉ đạo đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.Tổ chức tốt lễ kỷ niệm 445 năm Năm sinh danh nhân văn hóa Đào Duy Từ. Lập hồ sơ khoa học đề nghị nâng cấp di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Duy Từ, Trạm Phẩu Huyện Đội Hoài Nhơn được công nhận là di tích cấp tỉnh. Tổ chức tọa đàm Địa đạo Gò Quánh, thôn Mỹ An, xã Hoài Thanh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hệ thống đài truyền thanh được đầu tư nâng cấp, phủ sóng hầu hết các địa bàn dân cư, chất lượng tin, bài tốt hơn. Huyện đã tổ chức phát động tháng cao điểm vận động toàn dân tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – liệt sĩ; giải quyết việc làm cho trên 4.700lao động, đào tạo, bồi dưỡng nghề cho trên 65% số người trong độ tuổi lao động. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và người có công với nước được nâng lên rõ rệt.

    Tình hình chính trị ổn định, an ninh - quốc phòng được giữ vững; hệ thống chính trị được củng cố, vươn lên đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao. Việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”được các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ huyện đến xã, thị trấn triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc, bước đầu đã tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động; ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và nhân dân ngày càng tốt hơn.

   Trong những năm tới, huyện Hoài Nhơn tập trung chỉ đạothực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, huyện lần thứ XIX,  Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 05 năm 2016-2020. Trong đó, tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu như sau:

    Một là, tiếp tục thực hiện các giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích đổi mới công nghệ, chuyển đổi mô hình kinh doanh,nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển và dịch vụ hậu cần nghề cá. Thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục tình trạng ngư dân xâm phạm lãnh hải nước ngoài; bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển.

    Hai là, củng cố và duy trì các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; vận động nhân dân phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.

    Ba là, tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Huyện ủy về “Quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, phát triển huyện Hoài Nhơn thành thị xã Hoài Nhơn, giai đoạn 2016-2020”; quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị Hoài Nhơn đến năm 2035. Rà soát Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Huy động mọi nguồn vốn, tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên để đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, như: Khu tái định cư vùng thiên tai Bàu Rong, thị trấn Bồng Sơn; tuyến đường từ QL1A cũ đi Gò Dài, xã Tam Quan Bắc; Đường kết nối QL1 cũ và QL1 mới, thị trấn Bồng Sơn; Khu hành chính - dịch vụ và dân cư Bạch Đằng, thị trấn Bồng Sơn; Di tích lịch sử địa điểm lưu niệm cuộc biểu tình năm 1931 tại Cây số 7 Tài Lương;...

    Bốn là, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tăng cường chỉ đạo thực hiện Đề án ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học. Triển khai thực hiện  Kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện ủy về phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Nâng cao chất lượng hoạt động của Đài truyền thanh huyện và xã, thị trấn. Thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ, vận động nhân dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Đẩy mạnh phong trào Đền ơn đáp nghĩa; thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; quan tâm phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùngcòn sống.

    Năm là, Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh. Đẩy mạnh phong trào quần chúng tự quản an ninh trật tự khu vực biên giới biển. Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 02-CT/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về tổ chức cuộc vận động toàn dân tham gia xây dựng địa bàn huyện “không có tội phạm ma túy; giảm tội phạm trộm cắp, cướp giật”. Thựchiện đồng bộ các biện pháp nhằm kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông.

    Sáu là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4,5,6 khóa XII vềtăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Rà soát, điều chỉnh cơ cấu tổ chức, biên chếtheo hướng tinh gọn, hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với kiểm tra, thanh tra chế độ công chức, công vụ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, tài chính và các vấn đề bức xúc khác.

    Năm 2018 - năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, huyện lần thứ XIX, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 05 năm 2016-2020. Nhiệm vụ đặt ra là hết sức nặng nề, nhưng với quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Hoài Nhơn sẽ tiếp bước theo lý tưởng cách mạng mà biết bao thế hệ cha anh, những chiến sỹ đồng bào đã không tiếc máu xương để chiến đấu và bảo vệ đất nước, nêu cao tinh thần đoàn kết thống nhất một lòng, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, tiềm năng lợi thế để huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, các đối tượng chính sách, hộ nghèo, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn huyện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị của địa phương, xây dựng quê hương Hoài Nhơn ngày càng khang trang, giàu đẹp.


Anh Tuấn  (Cập nhật ngày 28-03-2018)



  • Currently 1.00/5

Kết quả: 1.0/5 - (1 phiếu)

Các tin liên quan:
Ca khúc Hoài NhơnCông báo tỉnh Bình ĐịnhĐường dây nóngkêu gọi đầu tưVăn bản về phòng chống dịch covid -19Phản ánh kiến nghịdanhgiahailongDich vu cong truc tuyenThông tin tuyển dụngHướng dẫn cái đặt BlozoneTra cứu quy hoạchm  xây dựngNop Ho SoCông khai ngân sáchĐỀ TÀI KHOA HỌCCổng dịch vụ công quốc giaBộ thủ tục hành chính cấp huyệnBộ thủ tục hành chính cấp xãLuật thống kêTài liệu họp trực tuyếnNgười phát ngônHồ sơ đề xuất cấp GPMTĐánh giá công chứcThư xin lỗibản đồ hành chinh Việt NamBộ nhận diện Chuyển đổi sốDubaothoitiet

  Liên kết web