Trong hai đêm, ngày 12 – 13/3/2018, tại đền thờ danh nhân văn hóa Đào Duy Từ, huyện Hoài Nhơn, UBND huyện tổ chức Liên hoan Hội đánh bài chòi cổ dân gian lần thứ III năm 2018. Tham gia Liên hoan có 17 câu lạc bộ thuộc 17 xã, thị trấn trong huyện tham gia. Kết quả, Câu lạc bộ thị trấn Tam Quan đạt giải nhất, Câu lạc bộ các xã Hoài Tân, Hoài Thanh Tây đạt giải nhì; giải ba thuộc các Câu lạc bộ xã Hoài Hương, Hoài Đức, Hoài Thanh; các xã, thị trấn còn lại được trao giải khuyến khích. Các giải thưởng cá nhân được trao cho cháu Hồ Thanh Trúc, câu lạc bộ xã Hoài Tân đạt giải diễn viên nhỏ tuổi hô hay, cô Võ Thị Liên, đơn vị Hoài Hảo đạt giải diễn viên lớn tuổi hô hay và giải hiệu xuất sắc nhất thuộc về hiệu nữ Bùi Thị Lệ Thắm, đơn vị Hoài Tân.

     Liên hoan Hội đánh bài chòi cổ dân gian huyện Hoài Nhơn lần thứ III năm 2018 là sự nối tiếp thành công từ các kỳ liên hoan trước. Cứ hai năm một lần, UBND huyện Hoài Nhơn chủ trì tổ chức Liên hoan, tạo sân chơi cho các đội tuyển Câu lạc bộ Hội đánh bài chòi cổ dân gian trong huyện tham gia tranh tài, ra sức phục dựng và phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc. Bài chòi là loại hình sinh hoạt văn hóa văn nghệ lâu đời của nhân dân Hoài Nhơn nói riêng, Bình Định và các tỉnh Trung Bộ nói chung.  Đây là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, kết hợp độc đáo giữa âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học, được đánh giá là một hoạt động văn hoá quan trọng trong cộng đồng làng xã, đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng, được truyền dạy chủ yếu trong trong gia đình, làng xóm, hội, câu lạc bộ và trường học. Việc thực hành nghệ thuật bài chòi thúc đẩy sự bình đẳng về giới tính cũng như sự tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng; khuyến khích đối thoại giữa các cộng đồng, các nhóm người và cá nhân; tạo cơ hội trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giữa những người thực hành, qua đó làm phong phú kiến thức và kỹ năng liên quan đến việc thực hành nghệ thuật. Vinh danh những giá trị đó, vừa qua, tháng 12/2017 nghệ thuật bài chòi của các tỉnh Trung Bộ Việt Nam (trong đó có Bình Định) được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm vinh dự tự hào của nhân dân các tỉnh Trung Bộ, tỉnh, huyện và các tỉnh bạn đang trong nỗ lực phát triển bộ môn nghệ thuật đặc sắc này.

     Hoài Nhơn là quê hương thứ hai của danh nhân văn hóa Đào Duy Từ, đền thờ ông tại thôn Ngọc Sơn Bắc, xã Hoài Thanh Tây được xếp hạng di tích Quốc gia. Đào Duy Từ (1572-1634) được sinh ra trong gia đình có nghiệp hát xướng ở Thanh Hóa, trước định kiến của thời cuộc ông phải hành trình vào Nam, dừng chân ở đất Tùng Châu Hoài Nhơn. Trước khi được tiến cử giúp Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đóng góp những công lao to lớn về văn hóa, quân sự cho đất nước. Tương truyền, thời gian ở Hoài Nhơn ông hướng dẫn nhân dân dựng chòi tranh, sáng tạo văn nghệ trong những lúc nông nhàn, sáng kiến thành trò chơi đánh bài trên chòi, góp phần hình thành nghệ thuật bài chòi dân gian ở Bình Định. Hội đánh bài chòi trước đây thường diễn ra trong dịp Tết Nguyên đán, được tổ chức từ mùng 1 đến mùng 5 Tết, có nơi tổ chức kéo dài đến Rằm tháng Giêng. Địa điểm tổ chức bài chòi thường là sân đình hoặc một khoảng đất trống bằng phẳng, rộng rãi và thuận lợi cho người dự hội. Địa danh Trung Lương, ngôi làng nhỏ nằm ven sông Lại Giang, huyện Hoài Nhơn, nơi hợp lưu của hai con sông Kim Sơn và An Lão, bến đò Chợ Hàn,...gắn liền với các hội đánh bài chòi nhộn nhịp một thời.

    Những năm qua, huyện Hoài Nhơn đã có nhiều giải pháp phục dựng, khơi dậy sức sống của nghệ thuật bài chòi. Có thể nói, từ năm 2012 trở về trước nghệ thuật bài chòi thịnh hành ở Hoài Nhơn bởi các làn điệu dân ca, nghệ thuật đương đại. Năm 2013, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Hoài Nhơn tổ chức tập huấn Hội đánh bài chòi cổ dân gian. Từ buổi đầu khá còn mới mẻ với môn nghệ thuật bị lãng quên, các cấp, ngành của huyện đã liên hệ mời các nhà nghiên cứu, các nghệ sỹ am hiểu, có kinh nghiệm thực hành nghệ thuật về truyền dạy tại Hoài Nhơn. Vốn là cái nôi, nơi bài chòi được say mê, yêu thích nên chỉ trong một thời gian ngắn, nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha, nghệ nhân Minh Đức, Hoàng Hải đã truyền đạt một cách hiệu quả, được sự yêu mến, lan truyền mạnh mẽ trong huyện. Từ buổi đầu, câu lạc bộ Hội đánh bài chòi xã Hoài Thanh được tổ chức ra mắt vào tháng 01/2014, đến nay, huyện Hoài Nhơn đã hoàn thành các thủ tục và tổ chức Đại hội lần thứ nhất đối với 11 Câu lạc bộ, đang xúc tiến thủ tục, hồ sơ tiến hành đại hội tại các xã, thị trấn còn lại. Cấp huyện tổ chức 3 kỳ liên hoan, duy trì 2 năm một lần, các 17/17 xã, thị trấn đều hình thành đội tuyển, mời đạo diễn tập luyện tham gia Liên hoan đạt chất lượng, thu hút đông đảo người đến xem cổ vũ; hình thành Câu lạc bộ bài chòi huyện Hoài Nhơn vào đầu năm 2018. Các dịp lễ hội mừng Đảng, mừng Xuân, mừng kỷ niệm ngày sinh danh nhân văn hóa Đào Duy Từ,tại trung tâm huyện và các xã, thị trấn, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã động viên, hỗ trợ các câu lạc bộ tổ chức các đêm hội đánh bài chòi khá sôi nổi. Để phát triển, duy trì môn nghệ thuật này, bên cạnh sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự hướng dẫn của các ngành chức năng, huyện Hoài Nhơn tập trung các giải pháp bảo tồn và phát huy di sản gắn với công tác di tích, du lịch và bằng các giải pháp xã hội hóa.Số lượng nghệ nhân, nghệ sĩ thực hành bài chòi được truyền dạy, tập luyện ngày một tăng, đáp ứng yêu cầu biểu diễn phục vụ nhân dân.

     Trong thời gian đến, phát triển nghệ thuật bài chòi tại Hoài Nhơn theo hướng tuyển chọn các nghệ sỹ có kinh nghiệm, hình thành câu lạc bộ chuyên nghiệp, tập luyện đưa vào phục vụ các hoạt động lớn của huyện. Xây dựng sản phẩm du lịch thưởng thức nghệ thuật bài chòi gắn với không gian di tích đền thờ danh nhân văn hóa Đào Duy Từ được xác định là sản phẩm du lịch đặc trưng của Hoài Nhơn sắp tới. Đồng thời, công tác nâng cấp hồ sơ di tích đền thờ Đào Duy Từ thành di sản Quốc gia đặc biệt cũng là một trong những công tác trọng tâm của ngành văn hóa huyện, ghi nhận xứng đáng những đóng góp, công lao to lớn của danh nhân văn hóa Đào Duy Từ đối với mảnh đất Bình Định nói riêng, cũng như lịch sử của dân tộc. Có thể nói, bằng những nỗ lực trên, sức sống của nghệ thuật bài chòi ngày một lan tỏa mạnh mẽ trên mảnh đất Hoài Nhơn, đóng góp tích cực cho quá trình Xây dựng nền văn hóa Việt Nam, tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, tích cựccùng với các cấp, ngành và các địa phương Trung bộ khai thác, phát huy hiệu quả di sản phi vật thể của nhân loại tại Việt Nam.


Thanh Diệu  (Cập nhật ngày 21-03-2018)



  • Currently 1.00/5

Kết quả: 1.0/5 - (1 phiếu)

Các tin liên quan:
Ca khúc Hoài NhơnCông báo tỉnh Bình ĐịnhĐường dây nóngkêu gọi đầu tưVăn bản về phòng chống dịch covid -19Phản ánh kiến nghịdanhgiahailongDich vu cong truc tuyenThông tin tuyển dụngHướng dẫn cái đặt BlozoneTra cứu quy hoạchm  xây dựngNop Ho SoCông khai ngân sáchĐỀ TÀI KHOA HỌCCổng dịch vụ công quốc giaBộ thủ tục hành chính cấp huyệnBộ thủ tục hành chính cấp xãLuật thống kêTài liệu họp trực tuyếnNgười phát ngônHồ sơ đề xuất cấp GPMTĐánh giá công chứcThư xin lỗibản đồ hành chinh Việt NamBộ nhận diện Chuyển đổi sốDubaothoitiet

  Liên kết web