Chuyến về nguồn đầu xuân Mậu Tuất 2018 hết sức ý nghĩa khi được về thăm Trạm Phẫu Huyện đội Hoài Nhơn. Trạm Phẫu được thành lập ngày 20/11/1971 tại thôn Xuân Vinh, xã Hoài Mỹ là nơi đảm nhận nhiệm vụ cứu chữa cán bộ, chiến sĩ bị thương, đồng thời là nơi đào tạo cán bộ y tá của ta. Nơi đây đã cứu sống hàng trăm cán bộ, chiến sĩ trong điều kiện hết sức khó khăn với y cụ thô sơ, thuốc men thiếu thốn, vừa là nơi đào tạo cán bộ y tế cho Đại đội 1 (c1), Đại đội 2 (c2) và Đại đội 82 (c4), vừa phải cảnh giác, đối phó với địch vì khu vực núi Chóp Chài, Xuân Vinh liên tục bị địch ném bom ác liệt và rải hóa chất độc hại.

Ảnh: Một trong 5 hầm công sự Trạm Phẫu đã bị địch phá hủy

    Cách đây 46 năm, ngày 24 và 25/02/1972, theo chỉ dẫn của một tên chiêu hồi, địch đã càn lên núi Xuân Vinh, xã Hoài Mỹ nơi có Trạm Phẫu, chúng lật giở từng cửa hầm bí mật, từng lỗ thông gió, rồi ném lựu đạn vào những hầm chúng phát hiện có người đang ẩn nấp. Đê tiện hơn chúng bắt các chị em nữ ra khỏi hầm hãm hiếp trước khi sát hại họ. Tổng số 17 người đã bị địch giết hại dã man trong đó 9 cán bộ y tế và nhân viên đang làm nhiệm vụ, 8 thương binh đang điều trị tại Trạm Phẫu. Sau hai ngày càn quét của địch, chỉ còn 7 nhân chứng may mắn sống sót, đến nay hiện còn sống 5 người gồm các cô, chú: Nguyễn Thị Thúy Vân, Nguyễn Thị Có ở xã Tam Quan Bắc; Nguyễn Thị Huê ở xã Hoài Hải; Lê Thị Điệp ở Quảng Ngãi; Nguyễn Hồng Sinh, Tam Quan Nam).

Ảnh: các nhân chứng từng công tác, chiến đấu tại Trạm Phẫu Huyện đội Hoài Nhơn

    Trạm Phẫu Huyện Đội Hoài Nhơn là địa chỉ minh chứng cho nỗi đau và mất mát của cuộc chiến tranh phi nghĩa do Mỹ ngụy tạo ra đối với nhân dân Việt Nam; minh chứng cho sự quyết tâm, vượt qua gian khổ để giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, để lại tấm gương sáng ngời cho các thế hệ noi theo.

    Để tưởng nhớ, tri ân các liệt sỹ đã hy sinh tại Trạm Phẫu, năm 2013 - 2014 Đảng ủy, chính quyền và nhân dân huyện Hoài Nhơn đã đầu tư xây dựng công trình nhà bia tưởng niệm, đường dẫn vào di tích, sơ đồ chỉ dẫn, đặt biển số hiệu 05 hầm công sự đã bị phá hủy,… Các ban ngành, lực lượng đoàn thể, thanh niên tiến hành mở đường, mang vác từng bao xi măng, viên đá trèo núi, băng rừng để xây dựng công trình. Hàng năm, cán bộ lãnh đạo huyện và các ban ngành, đoàn thể huyện; cán bộ, nhân dân xã Hoài Mỹ và đông đảo cựu chiến binh, nhân dân trong và ngoài huyện đến dâng hương tưởng niệm cán bộ, y sỹ, y tá đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng vào các dịp như: Tết Nguyên đán, ngày 8/3, 20/10, 27/7, các dịp về nguồn. Ngày giỗ theo nghi thức truyền thống được tiến hành vào Mùng 8, Mùng 9 tháng Giêng hàng năm.

    Ghi nhận những giá trị lịch sử quý giá của Trạm Phẫu Huyện đội Hoài Nhơn, ngày 26/01/2018 UBND tỉnh Bình Định quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh (Quyết định số 255/QĐ-UBND).

    Sáng ngày Mùng 9 tháng Giêng (nhằm ngày 24/02/2018), trong không khí đầu xuân, ngành Y tế kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam, UBND huyện Hoài Nhơn long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 46 năm ngày xảy ra sự kiện thảm sát Trạm Phẫu Huyện đội Hoài Nhơn (1972 – 2018) và đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp Tỉnh. Về dự sự kiện có ông Nguyễn Duy Quý, nguyên Quyền Bí thư Tỉnh ủy, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại biểu lãnh đạo các Sở, Phòng ban chuyên môn của tỉnh, lãnh đạo huyện, xã; cán bộ, chiến sỹ từng công tác, chiến đấu tại Trạm Phẫu và thân nhân gia đình liệt sỹ, đông đảo cựu chiến binh, nhân dân về dự. Bài diễn văn kỷ niệm của Lãnh đạo UBND huyện một lần nữa đã khẳng định những giá trị lịch sử nổi bật, những đóng góp, hy sinh to lớn của cán bộ, y sỹ, chiến sỹ tại Trạm Phẫu nói riêng và các thế hệ cách mạng cả nước nói chung đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Ảnh: Lễ cúng các anh hùng liệt sỹ theo nghi thức truyền thống.

    Quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di tích đã được các cấp ngành tỉnh, huyện, xã quan tâm, song thời gian đến các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền để xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát huy tốt hơn nữa giá trị di tích để xứng đáng với những đóng góp, hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương, bệnh binh; đồng thời thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục truyền thống anh hùng, lòng yêu nước, nhất là cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. 


Thanh Diệu  (Cập nhật ngày 01-03-2018)



  • Currently 1.00/5

Kết quả: 1.0/5 - (1 phiếu)

Các tin liên quan:
Ca khúc Hoài NhơnCông báo tỉnh Bình ĐịnhĐường dây nóngkêu gọi đầu tưVăn bản về phòng chống dịch covid -19Phản ánh kiến nghịdanhgiahailongDich vu cong truc tuyenThông tin tuyển dụngHướng dẫn cái đặt BlozoneTra cứu quy hoạchm  xây dựngNop Ho SoCông khai ngân sáchĐỀ TÀI KHOA HỌCCổng dịch vụ công quốc giaBộ thủ tục hành chính cấp huyệnBộ thủ tục hành chính cấp xãLuật thống kêTài liệu họp trực tuyếnNgười phát ngônHồ sơ đề xuất cấp GPMTĐánh giá công chứcThư xin lỗibản đồ hành chinh Việt NamBộ nhận diện Chuyển đổi sốDubaothoitiet

  Liên kết web