Sáng nay 31/10/2017, tại UBND xã Hoài Thanh, UBND huyện Hoài Nhơn tổ chức Tọa đàm chuyên đề “Địa đạo Gò Quánh, thôn Mỹ An, xã Hoài Thanh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Tọa đàm hôm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm làm sáng tỏ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của địa đạo đối với sự nghiệp đấu tranh chống Mỹ cứu nước của quân và dân Hoài Nhơn nói riêng, Bình Định nói chung, tạo cơ sở bổ sung vào lịch sử Đảng bộ huyện, từ đó có kế hoạch giữ gìn, đầu tư, tôn tạo phát huy giá trị lịch sử của địa đạo. Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, hun đúc tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ, tinh thần quật khởi và khát vọng yêu chuộng hòa bình cho các thế hệ, nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.

     Tham dự tọa đàm có các đồng chí Nguyễn Duy Quý – nguyên Quyền Bí thư Tỉnh ủy, đại tá Chế Trường – nguyên UVBTVTU, nguyên Giám đốc Công an tỉnh, đại biểu lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao, các Sở, ban, ngành của tỉnh, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo huyện Hoài Nhơn qua các thời kỳ, đại biểu lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Hoài Thanh, các nhân chứng lịch sử từng tham gia đào, tiếp tế, hoạt động tại địa đạo .

     Hoài Nhơn nói chung và Hoài Thanh nói riêng là địa phương có lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời. Nhân dân Hoài Thanh nồng nàn yêu nước, đấu tranh chống áp bức, bất công. Trải qua các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Hoài Thanh luôn đoàn kết, một lòng, một dạ đi theo Đảng, hoàn thành sự nghiệp giải phóng quê hương, góp phần giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước, cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đây là mảnh đất gắn liền với cuộc biểu tình tại Cây số 7 Tài Lương năm 1931 hưởng ứng cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, là đòn tiến công bất ngờ và quyết liệt, làm rung chuyển bộ máy chính quyền của đế quốc và phong kiến lúc bấy giờ. Đến Hoài Thanh, chúng ta cũng không thể không nhắc tới Trường Lâm - nay là địa bàn của 4 thôn: Trường An 1, Trường An 2, Lâm Trúc 1 và Lâm Trúc 2 - mảnh đất gắn liền với những năm tháng hào hùng của thời chống Mỹ đầy gian khổ hy sinh nhưng rất đỗi tự hào của nhân dân xã Hoài Thanh. Gò Dương, gò Gai, gò Tháp, gò Mun, gò Nghiêm, Hòn Nhọn... mỗi địa danh đều gắn liền với những chiến công hiển hách của quân và dân Hoài Thanh. Cũng chính trên mảnh đất này, tháng 8.1969, tại nhà bà Lê Thị Đặng (Trường Lâm), Đội du kích quyết tử mang tên Chim Én được thành lập với những trận đánh khiến quân thù bở vía - những đội viên mà sau này đã trở thành những người con anh hùng của đất mẹ Hoài Thanh như: Phạm Thị Đào, Võ Thị Huy, Nguyễn Thị Ngân, Nguyễn Trọng, Võ Văn Phước...Với những chiến công đó, cuối năm 1970 thôn Trường Lâm được phong tặng danh hiệu “Thôn Thành Đồng”. Ngày 20.12.1973, xã Hoài Thanh vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

    Giai đoạn 1965 – 1968, tỉnh Bình Định nói chung và huyện Hoài Nhơn nói riêng ra sức đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. “Tại Hoài Thanh, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền xã, thôn và các đoàn thể nhân dân được củng cố, phát triển cả về số lượng và chất lượng”. Nhằm thực hiện đường lối quân sự chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích, tạo thế trận lòng dân vững chắc, “hệ thống giao thông hào và các tuyến phòng thủ tại xã tiếp tục được củng cố và hoàn chỉnh. Để phòng khi có chiến tranh lớn, ta đủ sức trụ bám đánh địch, từ giữa tháng 4 năm 1965, huyện, xã chỉ đạo đào địa đạo ở xóm 6, xóm 10 (nay thuộc Gò Quánh, thôn Mỹ An), mặc dù hết sức khẩn trương, huy động lực lượng phân ca đào cả ngày lẫn đêm, nhưng chưa hoàn thành thông tuyến, thì quân dân ta phải tập trung chuẩn bị đánh Mỹ. Công tác đào địa đạo phải dừng lại. Các thôn chuyển ngay sang nhiệm vụ đào hầm bí mật với nhiều kiểu cách khác nhau để có điều kiện trụ bám đánh địch” (Sđd, tr.141). Như vậy, việc đào địa đạo tại Gò Quánh (thôn Mỹ An) một lần nữa khẳng địnhquyết tâm thực hiện phương châm “một tấc không đi, một ly không rời”, quyết “bám đất, bám làng” tận dụng mọi thời cơ đánh địch. Từ thực tế và trước yêu cầu của cách mạng ở địa phương lúc bấy giờ, muốn giữ vững căn cứ địa, chống lại sự đánh phá, lấn chiếm của kẻ thù, bảo tồn lực lượng và làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng, không còn cách nào khác là phải đào hầm bí mật, đào địa đạo làm nơi ẩn quân, dấu quân an toàn, nơi chuẩn bị lực lượng, vũ khí trước khi đánh địch.  

    Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Bình Định về việc phục hồi địa đạo Gò Quánh (thôn Mỹ An, xã Hoài Thanh), huyện Hoài Nhơn tổ chức Tọa đàm hôm nay nhằm tìm hiểu, đánh giá rõ hơn về quy mô, vị trí chiến lược, tầm ảnh hưởng cũng như ý nghĩa lịch sử của Địa đạo Gò Quánh trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, quân và dân Hoài Thanh nói riêng, huyện Hoài Nhơn nói chung. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân huyện nhà, tiếp tục khẳng định và tôn vinh các giá trị lịch sử, văn hóa trên quê hương Hoài Nhơn; khích lệ thế hệ trẻ hôm nay và mai sau có trách nhiệm tiếp bước những chặng đường lịch sử vẻ vang và hào hùng của bao thế hệ cha ông, ghi tiếp những trang sử vàng chói lọi, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.


Anh Tuấn  (Cập nhật ngày 31-10-2017)



  • Currently 1.00/5

Kết quả: 1.0/5 - (1 phiếu)

Các tin liên quan:
Ca khúc Hoài NhơnCông báo tỉnh Bình ĐịnhĐường dây nóngkêu gọi đầu tưVăn bản về phòng chống dịch covid -19Phản ánh kiến nghịdanhgiahailongDich vu cong truc tuyenThông tin tuyển dụngHướng dẫn cái đặt BlozoneTra cứu quy hoạchm  xây dựngNop Ho SoCông khai ngân sáchĐỀ TÀI KHOA HỌCCổng dịch vụ công quốc giaBộ thủ tục hành chính cấp huyệnBộ thủ tục hành chính cấp xãLuật thống kêTài liệu họp trực tuyếnNgười phát ngônHồ sơ đề xuất cấp GPMTĐánh giá công chứcThư xin lỗibản đồ hành chinh Việt NamBộ nhận diện Chuyển đổi sốDubaothoitiet

  Liên kết web