Ảnh : Đền thờ Đào Duy Từ - xã Hoài Thanh Tây, H. Hoài Nhơn, Bình Định.

1. Đền thờ và lăng Đào Duy Từ

Mùa đông năm Giáp Tuất (1634), Đào Duy Từ bệnh nặng, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên thân hành đến nhà thăm. Đào Duy Từ khóc, nói: “Thần may mắn gặp Chúa thượng sáng suốt, đãi ngộ bấy lâu mà sự báo đáp chưa được mảy may; nay bệnh đến nỗi này, còn nói chi nữa!”. Xong, liền mất, nhằm ngày 17 tháng 10 âm lịch, thọ 63 tuổi. Chúa thương tiếc khôn nguôi, tặng Hiệp mưu Đồng đức Công thần, Đặc tiến Trụ quốc Kim tử Vinh lộc Đại phu, Thái thường Tự khanh, tước Lộc Khê hầu, ban tên thụy là Trung Lương; cho đưa về mai táng và sai lập đền thờ phụng tại xã Tùng Châu mà nay thuộc thôn Cự Tài, xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Xã Tùng Châu đến đời Gia Long thì chia làm 9 thôn là Cự Tài, Phụng Du, Tấn Thạnh, Tân Bình, Phú Mỹ, Hội Phú, Phú Thọ, Cự Nghi và Cự Lễ đều thuộc tổng An Sơn; trong đó Cự Tài là thôn chính vì ở giữa xã Tùng Châu trước kia.

Lăng ông hiện ở thôn Phụng Du, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Đền thờ Thái sư Hoằng quốc công-Đệ nhất Khai quốc Công thần Đào Duy Từ do Chúa Sãi cho xây dựng như đã chép trong Đại Nam Liệt truyện Tiền biên, dĩ nhiên kinh phí do Nhà nước đài thọ và việc thờ phụng cũng do Nhà nước tổ chức. Từ đời Gia Long trở đi đền thờ được liệt vào “Điển Thờ của Nhà nước”, có tự điền tự phụ và hằng năm đến ngày 17 tháng 10 âm lịch là ngày húy kỵ (chánh giỗ) của ông được tổ chức tại đền thờ thì có quan đầu tỉnh đến dâng lễ tế gọi là quốc tế. 

“Sắc tứ Đào quốc công từ” trước năm 1968 vẫn còn treo ở gian giữa Đền thờ Thái Sư Hoằng quốc công-Đệ nhất Khai quốc Công thần Đào Duy Từ. Đền thờ bị hư hại trong chiến tranh, sau đó đã được con cháu đóng góp xây dựng lại. Hiện tại trong đền thờ còn một thần vị bằng gỗ, sơn son thếp vàng, khắc họ tên thụy hiệu cùng quan hàm tước vị của Đào Duy Từ và của phu nhân là Cao Thị Nguyên. Ngoài ra Đền thờ còn lập bàn thờ ông Trần Đức Hòa (cha vợ) người xã Bồ Đề, huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Nhơn (xã Bồ Đề sang đời Gia Long được chia làm nhiều thôn thuộc tổng An Sơn và tổng Tài Lương, trong đó có thôn Hy vẫn thuộc tổng An Sơn, là quê quán của Trần Đức Hòa). Trần Đức Hòa được phối tế nhưng lời khấn lại ghi: “Khám lý Cống quận công Trần tiên sinh chi linh” và bàn thờ người nhà giàu ở huyện Bồng Sơn phủ Quy Nhơn họ Lê, không rõ tên, sau Đào Duy Từ tôn làm dưỡng phụ (cha nuôi) nên trong Đào tộc Phổ hệ chép là “Dưỡng tổ Lê Đại lang”.

Các đời chúa sau phong thêm: “Vỹ quốc gia mưu Phù vận Tán trị Chi thần”. Lấy ruộng ở phường Đồng Dài thuộc huyện Bồng Sơn cấp làm ngụ lộc. Lại cho mười người cháu cùng họ (được miễn thuế thân) suốt đời lo việc phụng tự.

Năm Gia Long thứ 4 (1805), xét sự trạng công thần buổi đầu mở nước, xếp Đào Duy Từ hạng thượng đẳng, cho thờ ở thái miếu, cấp 15 mẫu ruộng làm tự điền, 6 tên coi phu mộ đồng thời cho cháu là Đào Duy Tình được tập ấm chức cai hạp, lịnh cho mỗi đời được một người nối nhau làm đội trưởng (thất phẩm đội trưởng) để trông coi việc thờ phụng. Năm thứ 9 (1810), được đưa vào thờ tại miếu khai quốc công thần.

Năm Minh Mạng thứ 11 (1831) truy tặng Khai quốc Công thần, Đặc tiến Vinh lộc Đại phu, hàm Đông các Đại học sĩ, chức Thái sư phong tước Hoằng quốc công. Năm thứ 17 (1836) sai quan sở tại sửa sang phần mộ.

Về ruộng cấp thì Đại Nam Liệt truyện Tiền biên cho biết các đời chúa sau Chúa Sãi đã lấy ruộng ở phường Đồng Dài thuộc huyện Bồng Sơn cấp làm ngụ lộc (huyện Bồng Sơn thời ấy bao gồm cả phần đất 3 huyện Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão ngày nay). Sử cho biết quan lại dưới thời chúa Nguyễn không lĩnh lương bổng đồng niên hay hàng tháng như sau này mà được cấp ngụ lộc thay lương bằng một trong ba cách:

Cấp một số ruộng công, canh tác thu hoa lợi khỏi nộp thuế.

Cho phép thu thuế ruộng tại một số xã.

Cho phép thu thuế thân của dân trong một số xã.

Ở đây không nói rõ số ruộng cấp làm ngụ lộc nhưng theo quan chế thời bây giờ thì Đào Duy Từ được xếp vào hàng “Huân thần = Bề tôi có công lớn” thì được cấp 10 mẫu. Số ruộng này ở phường Đồng Dài (âm Nôm, nay Đồng Dài là thôn Năng An xã Ân Tín huyện Hoài Ân) thuộc huyện Bồng Sơn. Vào thời ấy phường là đơn vị hành chánh vùng ven núi hay ven biển, tương đương cấp xã ở đồng bằng. Còn 15 mẫu ruộng mà Vua Gia Long cấp làm tự điền thì ở thôn Chánh Mẫn nay thuộc xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tục gọi là “ruộng công thần”.

2. Đình Tùng Châu

Đình Tùng Châu (thành hoàng) mà dân chúng gọi là đình chín xã (thôn) hay đình Cự Tài là đình xã Tùng Châu thời chúa Nguyễn (cách đền thờ Đào Duy Từ khoảng 1 km) đã bị tiêu hủy bởi sách lược tiêu thổ kháng chiến. Đình xây dựng từ bao giờ thì không rõ nhưng biết chắc là khi các chúa sau Chúa Sãi phong Đào Duy Từ làm “Vỹ quốc gia mưu Phù vận Tán trị Chi thần” thì đình thờ đã có và dân xã Tùng Châu được Chúa cho phép rước sắc phong thần về thờ ông làm thành hoàng. Đình do dân lập nên việc thờ phụng ông cũng do dân xã Tùng Châu trước kia rồi dân 9 thôn sau này lo lấy. Hằng năm ngoài lệ xuân kỳ thu tế, đến ngày 17 tháng 10 âm lịch-lễ húy kỵ ông thì khi tế xong ở đền thờ Thái sư Hoằng quốc Công-Đệ nhất Khai quốc Công thần Đào Duy Từ là đến lượt đình Tùng Châu tế, long trọng không kém.

3. Từ đường họ Đào Duy Từ

Nhờ công đức to lớn của ông mà vua Tự Đức vào năm Tự Đức năm thứ 12 (1859) cho xây thêm từ đường họ Đào Duy Từ (cách đền thờ ở Cự Tài khoảng 7 km) tại thôn Ngọc Sơn (Tài Lương), xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định là nơi thờ cha, mẹ ông và phu nhân. Con cháu trong dòng họ ấn định ngày 15, 16 tháng giêng âm lịch hằng năm khi công việc đồng áng đã xong, rảnh rỗi thì chạp mả (tảo mộ) cho cha, mẹ ông và phu nhân….Khi đó đồ cúng chạp mả (tảo mộ) được nấu tại Đền thờ ở thôn Cự Tài, xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn rồi gánh về từ đường họ Đào Duy Từ và cúng tại đây. Sau này, để tiện lợi nên nấu cúng tại từ đường họ Đào Duy Từ luôn, Vì lẽ đó từ đường họ Đào Duy Từ, Bồ Đề tự (chùa Bà), các lăng (mộ) Đào Duy Từ đều thuộc quyền sở hữu, điều hành và quản lý của đền thờ Thái Sư Hoằng quốc công-Đệ nhất Khai quốc Công thần Đào Duy Từ và việc này thực hiện từ xưa cho đến nay.

4. Thành hoàng đình Lạc Giao

Năm 1932 Vua Bảo Đại ban sắc phong Đào Duy Từ là Thành hoàng đình Lạc Giao tại Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Đây là đình làng đầu tiên của người Kinh lên đây lập nghiệp vào năm 1928.

5. Sắc phong và gia phả

Dòng họ còn giữ được một số sắc phong và hai cuốn gia phả:

Cao trục nhứt điện, ngày 15 tháng 5 Gia Long năm thứ 10.

Cao trục nhứt điện, ngày 17 tháng 10 Minh Mạng năm thứ 16.

Long chỉ nhứt điện, ngày 17 tháng 11 Minh Mạng năm thứ 20.

Tờ chiếu cấp do Bộ Hộ chiếu tự chuẩn y công đồng nghị định ngày 13 tháng 12 Gia Long năm thứ 4.

Bản thừa phụng do tỉnh Bình Định đương quan ngày 14 tháng 4 Gia Long năm thứ 5.

Hai cuốn gia phả (cuốn thứ nhất ghi niên hiệu Tự Đức, cuốn thứ hai ghi niên hiệu Thành Thái - Tân Dậu).

Như vậy, đền thờ Đào Duy Từ, đình Tùng Châu và từ đường Đào Duy Từ là ba hạng mục khác nhau nhưng liên đới nên mô tả chung.


Đào Duy Lộc - Đào Duy An  (Cập nhật ngày 19-05-2016)



  • Currently 1.00/5

Kết quả: 1.0/5 - (1 phiếu)

Các tin liên quan:
Ca khúc Hoài NhơnCông báo tỉnh Bình ĐịnhĐường dây nóngkêu gọi đầu tưVăn bản về phòng chống dịch covid -19Phản ánh kiến nghịdanhgiahailongDich vu cong truc tuyenThông tin tuyển dụngHướng dẫn cái đặt BlozoneTra cứu quy hoạchm  xây dựngNop Ho SoCông khai ngân sáchĐỀ TÀI KHOA HỌCCổng dịch vụ công quốc giaBộ thủ tục hành chính cấp huyệnBộ thủ tục hành chính cấp xãLuật thống kêTài liệu họp trực tuyếnNgười phát ngônHồ sơ đề xuất cấp GPMTĐánh giá công chứcThư xin lỗibản đồ hành chinh Việt NamBộ nhận diện Chuyển đổi sốDubaothoitiet

  Liên kết web