Giếng Truông là một giếng làng rất nổi tiếng ở thôn Tân Thành, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn. Qua nhiều năm tháng, môi trường biến động nhưng giếng Truông vẫn vẹn nguyên như xưa nay vẫn thế. Nói giếng Truông là “cứu tinh” mùa khô hạn không hề là nói quá bởi dù trời có nắng nóng đến mấy, hạn hán có căng thẳng đến đâu thì giếng Truông vẫn cứ đầy ăm ắp.

    Từ ngã tư thị trấn Tam Quan, xuôi về hướng Đông, theo con đường bê tông rộng rãi, rợp mát bóng dừa, đi chừng hơn trăm mét là đến giếng Truông. Được hình thành từ khoảng 300 năm trước, từ bấy đến nay, giếng Truông chưa bao giờ vơi, chất nước chưa bao giờ đổi.

    Những ngày đầu tháng 5 này, chúng tôi về giếng Truông. Mới hơn 6 giờ sáng, trên ba con đường bê tông liên xóm hướng về giếng Truông đã có hàng chục người dân trong xã và các vùng lân cận của thị trấn Tam Quan và xã Tam Quan Nam đi đủ các loại xe, từ xe máy, xe đạp đến cả xe ba gác, chiếc nào cũng chở theo lỉnh kỉnh những can, bình và tất nhiên là cả gàu nhựa để lấy nước về sinh hoạt.

    Tiếng trò chuyện, cười đùa của người đi lấy nước làm xao động một góc làng. Thoăn thoắt thả dây gàu xuống giếng múc nước rồi đổ vào chiếc phễu cải tiến gắn với chiếc can nhựa 20 lít, bà Phạm Thị Liên (ở khối 7, thị trấn Tam Quan) chia sẻ: “Mấy tháng nay, nắng hạn khốc liệt kéo dài. Đến giờ, các giếng đào trong khối chúng tôi đã trơ đáy. Mặc dù nhiều bà con đã tất bật thuê công nạo vét nhưng vẫn không làm sao có đủ nước mà dùng. May quá, có giếng Truông…”.

    Nắng nóng liên tục kéo dài suốt nhiều tháng qua không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân Tam Quan Bắc mà còn làm điêu đứng nhiều hộ dân sống trên các vùng đất mặn Cửu Lợi Bắc, Cửu Lợi Tây (xã Tam Quan Nam). Từ tờ mờ sớm, sau khi chuẩn bị việc nhà xong, bà Trần Thị Trinh (59 tuổi, ở Cửu Lợi Bắc) vượt đoạn đường gần 1,5 km đến giếng Truông lấy nước. Bà Trinh bày tỏ: “Vùng nhà tôi ở chưa có nước máy, trong thôn cũng có giếng còn nước nhưng nước thì tanh tanh, mằn mặn, không ai dám uống thứ nước đó, mà chỉ để tắm giặt thôi. Để có nước uống và nước đun nấu hàng ngày, chúng tôi phải ngược lên đây lấy. Tuy có vất vả nhưng tiết kiệm được tiền mua nước bình về dùng. Thiệt tình là năm nào cũng vậy, trời có khô hạn đến mấy, chúng tôi cũng ít lo lắm, vì vẫn còn có giếng Truông”.

   Ông Trần Văn Nghiệp, một hộ dân ở trước ngõ vào giếng Truông, cho biết: “So với mấy năm trước, năm nay, trừ những người chuyên làm công việc đổi nước thuê thường ngày, tần suất bà con đến đây lấy nước tăng gấp 3-4 lần. Ước tính trung bình mỗi ngày có cả trăm lượt người, đến đây lấy nước từ sáng tới khuya”.

    Có thâm niên 10 năm đi đổi nước thuê, bà Trần Thị Thu (ở thôn Tân Thành) không giấu nổi sự tự hào khi nhắc về giếng Truông: “Điều kỳ diệu hơn là nhiều người đến đây thả gàu xách nước cùng một thời điểm nhưng chẳng thấy bao giờ giếng tụt mực nước. Nhờ vậy mà bao năm qua, tôi nuôi được chồng, con”.

    Hiện nay, tỉ lệ người dân Tam Quan Bắc đăng ký sử dụng nước máy đã gần 90%. Thế nhưng, vì “ghiền” nước giếng Truông để nấu ăn hay pha trà nên bà con vẫn “chung thủy” với nước giếng Truông. Chưa kể, nước giếng Truông cũng là người bạn đồng hành với bà con ngư dân trong mỗi chuyến ra khơi.

    Ông Diệp Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc khẳng định: “Giá trị của giếng Truông không chỉ đơn thuần ở tính lịch sử lâu đời, mà cơ bản là nguồn nước mạch dồi dào, tinh khiết và rất ngọt, trong khi tất cả các giếng trong vùng đều phần nào bị nhiễm mặn bởi ở gần biển. Vì vậy, nước giếng Truông có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho cả ngàn hộ dân trên địa bàn 3 xã liền kề, theo đó, hàng năm chính quyền xã thường xuyên nhắc nhở bà con bảo vệ cảnh quan môi trường, tránh gây ô nhiễm nhằm gìn giữ giếng để sử dụng lâu dài ”.

    Không chỉ là nguồn nước mát lành, giếng Truông còn là một biểu tượng văn hóa quê hương, thật sự là niềm tự hào của bao thế hệ người dân địa phương. Ông Ngô Đình Văn (71 tuổi, ở thôn Tân Thành xã Tam Quan Bắc) tự hào chia sẻ: “Nước giếng này có vị ngọt thanh trong. Dù nắng gắt hay mưa dầm, nước giếng Truông vẫn giữ được hương vị đặc trưng vốn có, khó có giếng nào sánh bằng. Hồi mẹ tôi còn sống, những ngày rằm, mồng một, ngày cúng kỵ hay lễ Tết, bà vẫn sai tôi ra giếng Truông mang nước về chêm bàn thờ, rửa đồ tế lễ, hoa quả dâng lên bàn thờ tiên tổ. Cái giếng như vốn thừa tự của cả làng. Đất có lành thì làng mới có được cái giếng quý như thế, có đúng không anh!”


Diệp Bảo Sương  (Cập nhật ngày 09-05-2016)



  • Currently 1.00/5

Kết quả: 1.0/5 - (1 phiếu)

Các tin liên quan:
Ca khúc Hoài NhơnCông báo tỉnh Bình ĐịnhĐường dây nóngkêu gọi đầu tưVăn bản về phòng chống dịch covid -19Phản ánh kiến nghịdanhgiahailongDich vu cong truc tuyenThông tin tuyển dụngHướng dẫn cái đặt BlozoneTra cứu quy hoạchm  xây dựngNop Ho SoCông khai ngân sáchĐỀ TÀI KHOA HỌCCổng dịch vụ công quốc giaBộ thủ tục hành chính cấp huyệnBộ thủ tục hành chính cấp xãLuật thống kêTài liệu họp trực tuyếnNgười phát ngônHồ sơ đề xuất cấp GPMTĐánh giá công chứcThư xin lỗibản đồ hành chinh Việt NamBộ nhận diện Chuyển đổi sốDubaothoitiet

  Liên kết web