Trong tín ngưỡng của các làng vạn chài ở miền Trung và một số tỉnh, thành miền Nam thì thần Nam Hải (cá Ông) là vị phúc thần được ngư dân thờ cúng với những nghi thức, lễ hội uy nghiêm nhất. Hầu như, tại mỗi làng chài người dân đều lập lăng để thờ và ngư dân Hoài Nhơn cũng nằm trong số đó.

     Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn huyện Hoài Nhơn có tổng cộng 12 lăng thờ cá ông, trong đó có nhiều lăng được hình thành từ khoảng thế kỉ thứ 19 và được bảo tồn, tôn tạo đến hôm nay. Có khá nhiều lăng được vua ban các sắc phong, trong đó giữ được nhiều sắc phong nhất là lăng Ông ở thôn Kim Giao Nam  ở xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn. Cụ Võ Triết, ngư dân thôn Kim Giao Nam, cho biết: “Ngày xưa, người được giao nhiệm vụ canh giữ sắc phong phải là các cụ cao tuổi có gia đình hạnh phúc, được nhân dân kính trọng... nhưng đến sau này thì sắc phong được đưa vào lăng Ông để thờ tự. Hiện trong lăng Ông còn giữ 10 tờ sắc phong của các đời vua Nguyễn…”.

     Hầu hết, các lăng Ông hàng năm đều tổ chức lễ hội cầu ngư để con em vạn chài khắp nơi về tụ hội. Trong lễ hội cầu ngư, sau phần lễ người dân có thể thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc biệt chỉ có trong dịp này như: chèo bá trạo, đua thuyền nghênh ông và hát tuồng. Nhiều câu chuyện huyền bí xung quanh việc cứu nạn lúc hiểm nguy trên biển của cá voi nên loài cá này đã được ngư dân tôn kính là vị Thần Ngư Nam Hải và gọi là “Ông”. Ngư dân Đinh Minh ở thôn Lộ Diêu xã Hoài Mỹ cho biết: “Nhiều thuyền của ngư dân bị hỏng máy trôi trên biển,  thì thấy cá voi xuất hiện dìu thuyền vô tới gần bờ, hoặc đôi lúc ngư dân làm nghề chẳng may rơi xuống biển cũng được cá ông đưa vào chính vì điều đó nên người dân rất tôn quý loài cá này"

     Với niềm tin với cá Ông nên bất kể làng chài nào thấy cá voi bị sóng gió đẩy vô gần bờ thì đều tìm mọi cách hỗ trợ đẩy ra ngoài biển khơi. Nếu cá voi không đủ sức bơi đi mà tiếp tục dạt vào bờ thì dân vạn chài đón rước vào lăng Ông tổ chức nghi lễ cúng bái cho đến khi “lụy” (chết). Theo tục lệ của ngư dân Hoài Nhơn thì cá voi sau khi chôn cất đúng một năm sẽ được cải táng để đưa xương cốt vào trong lăng thờ cúng, hàng năm đều tổ chức lễ giỗ. Hiện, lăng Ông ở thôn Lộ Diêu là nơi lưu giữ nhiều bộ cốt cá voi nhất trong huyện với khoảng 50 bộ hài cốt cá voi được đựng trong các quách gỗ đóng kín thờ cúng trong gian chính điện, được phân chia bên phải gian chính điện đặt cốt cá voi đực còn bên trái đặt cốt cá voi cái.

     Có thể nói lăng Ông là nơi bồi đắp tinh thần cố kết cộng đồng, sự gắn kết giữa con người và động vật biển, đồng thời góp phần bảo lưu nét đẹp của phong tục, các loại hình diễn xướng dân gian độc đáo, nghệ thuật truyền thống… Nhiều thôn ven biển ở huyện Hoài Nhơn cứ vào khoảng từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch lại tổ chức lễ hội Cầu ngư tại Lăng Ông với ước muốn cho một năm “Xuôi chèo mát mái, thuyền về đầy ắp cá tôm” - những ngày như vậy trở thành những ngày hội thực thụ của những ngư dân miền biển mang bản sắc văn hóa dân gian riêng của địa phương.


Ánh Nguyệt  (Cập nhật ngày 21-12-2015)



  • Currently 1.00/5

Kết quả: 1.0/5 - (1 phiếu)

Các tin liên quan:
Ca khúc Hoài NhơnCông báo tỉnh Bình ĐịnhĐường dây nóngkêu gọi đầu tưVăn bản về phòng chống dịch covid -19Phản ánh kiến nghịdanhgiahailongDich vu cong truc tuyenThông tin tuyển dụngHướng dẫn cái đặt BlozoneTra cứu quy hoạchm  xây dựngNop Ho SoCông khai ngân sáchĐỀ TÀI KHOA HỌCCổng dịch vụ công quốc giaBộ thủ tục hành chính cấp huyệnBộ thủ tục hành chính cấp xãLuật thống kêTài liệu họp trực tuyếnNgười phát ngônHồ sơ đề xuất cấp GPMTĐánh giá công chứcThư xin lỗibản đồ hành chinh Việt NamBộ nhận diện Chuyển đổi sốDubaothoitiet

  Liên kết web