Ảnh: Một buổi tập của võ sinh võ đường Thanh Hùng tại sân Trung tâm VH-TT-TT huyện Hoài Nhơn.

    Trong những năm gần đây, phong trào võ cổ truyền ở Hoài Nhơn phát triển khá mạnh. Ðặc biệt, trong năm học 2015-2016, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về việc triển khai chương trình đưa võ cổ truyền vào trường học, đông đảo học sinh đã rèn luyện thể chất thông qua luyện tập võ cổ truyền.

    Chứng kiến những buổi luyện tập, biểu diễn võ cổ truyền hào hứng, mạnh mẽ của các võ sinh võ đường Thanh Hùng (xã Hoài Tân) trong buổi thi lên đai tại sân tập Trung tâm VH-TT-TT huyện Hoài Nhơn, nhiều người đã trầm trồ khen ngợi. Võ sư Võ Thanh Hùng cho biết: “Ngoài lớp võ này, tôi còn đến xã Tam Quan Bắc để truyền dạy thêm cho khoảng 150 võ sinh của 5 lớp võ cổ truyền luyện tập xen kẽ từ đầu năm 2015 đến nay…”.

    Võ đường Minh Vân ở xã Hoài Mỹ, nơi đời sống của bà con ở vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, nên từ năm 2010 trở về trước thì võ đường có rất ít võ sinh hoặc thậm chí không có võ sinh theo học. Tuy nhiên, võ đường Minh Vân vẫn cố gắng duy trì việc truyền dạy, để góp phần đưa phong trào luyện tập võ cổ truyền trên địa bàn xã phát triển. Nhờ vậy đến nay phong trào luyện tập võ cổ truyền ở đây khá sôi nổi. Võ sư Trần Minh Vân cho biết: “Từ năm 2012 đến nay, hàng năm võ đường chúng tôi tiếp nhận từ 40 đến 60 võ sinh từ các xã Hoài Hương, Hoài Hải đến đăng ký theo học. Riêng trong các dịp hè, tôi còn nhận dạy 2 lớp năng khiếu võ cổ truyền cho các em học sinh Tiểu học và THCS trên địa bàn xã”.

    Phong trào luyện tập võ cổ truyền ở huyện Hoài Nhơn khởi sắc là nhờ ngày càng có nhiều phụ huynh, học sinh ý thức được những lợi ích thiết thực của việc luyện tập võ. Chị Trần Thị Hải, ở thôn Diêu Quang, xã Hoài Hải, tâm sự: “Kỳ nghỉ hè năm lớp 7, con gái tôi xin phép ba mẹ học võ cổ truyền ở lớp võ của thầy Vân. Ban đầu tôi một mực không đồng ý. Rồi nghĩ lại đoạn đường hàng ngày cháu đi học khá xa, lại phải qua một eo núi hiu hắt, có biết võ để tự bảo vệ mình cũng là điều tốt, nên tôi chấp nhận. Sau vài tháng luyện võ cổ truyền, tôi nhận thấy các hoạt động thường ngày của con khá nhanh nhạy và dứt khoát, học hành cũng tấn tới lại ít ốm đau vặt. Yên tâm nhất của tôi là bớt lo ngại cháu bị những đối tượng có ý định xấu chọc ghẹo hay bắt nạt giữa đường…”.

    Huỳnh Hữu Trung, học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Du (xã Hoài Hương), ngoài các môn trong chương trình giáo dục thể chất ở trường, về nhà còn tìm đến các võ đường học võ cổ truyền rồi cảm thấy ưa thích, duy trì việc luyện tập. “Học thêm võ cổ truyền không những tốt cho sức khỏe mà còn giúp em tự tin hơn trong giao tiếp, rèn luyện tính kỷ luật và xây dựng lối sống đẹp, có tinh thần mạnh mẽ lạc quan hơn”, Huỳnh Hữu Trung chia sẻ. 

Theo thống kê của Trung tâm VH-TT-TT huyện Hoài Nhơn, trên địa bàn huyện có 16 CLB võ thuật thu hút hơn 1.000 võ sinh (từ 6 tuổi trở lên) tham gia luyện tập thường xuyên. Cao điểm của phong trào học võ là vào những tháng hè, có đến hơn 3.500 võ sinh theo học tại các lớp võ cổ truyền.

    Tuy có những bước khởi sắc đáng ghi nhận, nhưng luyện tập võ cổ truyền Hoài Nhơn vẫn đang gặp phải những khó khăn như thiếu dụng cụ, địa điểm tập luyện, thi đấu đạt yêu cầu. Anh Đặng Thanh Trưng, cán bộ phụ trách phong trào TDTT của Trung tâm VH-TT-TT huyện Hoài Nhơn, nhận xét: “Việc đầu tư cho các võ sinh về mặt chuyên sâu chưa được quan tâm đúng mức, thiếu môi trường để các em phát huy hết khả năng, sự đam mê. Cùng đó, các võ sinh chưa có nhiều sân chơi để giao lưu thi đấu thường xuyên, một số phụ huynh, trường học còn dè dặt với võ cổ truyền nên phong trào chưa phát triển xứng đáng với tiềm năng…”. 

Ảnh: Các võ sinh võ đường Thanh Hùng phấn khởi sau buổi thi lên đai.

    Theo ghi nhận ý kiến chung của các võ sư đang nỗ lực truyền dạy, để phong trào tập luyện võ cổ truyền ở  huyện Hoài Nhơn có sự lan tỏa rộng và phát triển hơn nữa, thời gian tới Hội võ thuật Hoài Nhơn nên tiếp tục khuyến khích mở thêm các lớp dạy võ ở nhiều địa phương. Bên cạnh đó, đề nghị ngành thể thao tỉnh quan tâm và có hướng đầu tư, hỗ trợ  phát triển bộ môn võ cổ truyển ở huyện Hoài Nhơn vốn đã có nền tảng truyền thống người dân luyện tập. Trước nhất, cần ưu tiên đầu tư về trang thiết bị cần thiết cho võ đường trên địa bàn huyện được chọn làm điểm vệ tinh đào tạo và tuyển chọn học sinh có năng khiếu võ cổ truyền cho Trường Năng khiếu TDTT tỉnh.


Diệp Bảo Sương  (Cập nhật ngày 01-12-2015)



  • Currently 1.00/5

Kết quả: 1.0/5 - (1 phiếu)

Các tin liên quan:
Ca khúc Hoài NhơnCông báo tỉnh Bình ĐịnhĐường dây nóngkêu gọi đầu tưVăn bản về phòng chống dịch covid -19Phản ánh kiến nghịdanhgiahailongDich vu cong truc tuyenThông tin tuyển dụngHướng dẫn cái đặt BlozoneTra cứu quy hoạchm  xây dựngNop Ho SoCông khai ngân sáchĐỀ TÀI KHOA HỌCCổng dịch vụ công quốc giaBộ thủ tục hành chính cấp huyệnBộ thủ tục hành chính cấp xãLuật thống kêTài liệu họp trực tuyếnNgười phát ngônHồ sơ đề xuất cấp GPMTĐánh giá công chứcThư xin lỗibản đồ hành chinh Việt NamBộ nhận diện Chuyển đổi sốDubaothoitiet

  Liên kết web