Vốn là những “bần cố nông” không mảnh đất cắm dùi, nhưng từ những năm 1989-1990 khi Nhà nước có chính sách di dân đi xây dựng kinh tế mới ở vùng căn cứ cách mạng Thiết Đính Bắc. Theo tiếng gọi của chính quyền địa phương, 19 hộ dân nghèo đã quyết định ra đi, dẫu biết rằng, trước mắt là chặng đường dài nhiều khó khăn thiếu thốn. Thế rồi 25 năm sau, bằng mồ hôi công sức và sự nỗ lực lao động không mệt mỏi, bà con nơi đây đã từng bước mang lại luồng sinh khí mới cho một vùng đất mà trước đó vẫn còn chìm trong cây rừng, cỏ dại thành một miền quê trù phú về cây trồng vật nuôi của thị trấn Bồng Sơn
Từ trung tâm thị trấn Bồng Sơn vào khu kinh tế mới Thiết Đính Bắc khoảng hơn 6 km tuy qua nhiều trảng đồi, gò dốc nhưng đường sá bây giờ không còn ổ voi, ổ gà luồng lách như hàng chục năm về trước. Mặc dù, giờ đây vẫn còn khoảng 800m đường nội khu kinh tế chưa được mở rộng, nâng cấp nhưng trên 5 km đường bê tông rộng 3,5 mét được xây dựng và hình thành từ các năm 2012, 2013 và 2014 từ quốc lộ 1A mới qua địa bàn khối Thiết Đính Bắc nối liền đường tây Tỉnh tiếp giáp với Khu kinh tế mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa đáp ứng bao niềm vui, trông chờ bấy lâu của người dân sống nơi đây.
Vươn lên từ vùng đất khó:
Ông Phạm Ngọc Thảo, (58 tuổi) một trong số 19 hộ dân đầu tiên “xung phong” đi lập nghiệp ở vùng đất dưới chân núi miễu cây Duối vào năm 1990 bồi hồi nhớ lại: “Những năm đầu vào đây, khổ cực thiếu thốn trăm bề đặc biệt, khi mùa mưa bão đến thì cả vùng hầu như hoàn toàn bị cô lập, có khi phải chờ đợi cả tuần nước mới rút hết, muốn ra ngoài thị trấn mua lương thực, thuốc men thì phải trèo núi, vượt đồi khiến cho đời sống của người dân vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Nếu chán nản thì chẳng thể làm gì được cả, nên mình phải bỏ công sức ra khai hoang, mưa, nắng gì cũng “gồng mình” giữa trời quần quật đào bới, cuốc xén lại còn phải gánh thêm một nỗi khổ khác nữa là các con không quen nguồn nước lạ, ăn uống thiếu thốn nên đau ốm triền miên, bây giờ nghĩ lại mà cảm thấy rùng mình”.
Theo ông Tạ Văn, Bí thư chi bộ khối Thiết Đính Bắc, xác định là một vùng đất khó nên các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương rất quan tâm đến đời sống, sinh hoạt của bà con như ưu tiên nguồn vốn vay ưu đãi,cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất ruộng, đất rừng, xây dựng trạm hạ thế, mở đường giao thông…nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho bà con tập trung phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Và bắt đầu từ năm 2005 đến nay, phong trào chăn nuôi và trồng rừng của bà con nơi đây phát triển khá mạnh, đã có nhiều hộ mạnh dạn đầu tư hàng chục triệu đồng để xây dựng các gia trại, theo đó đưa cây Keo, đào ghép vào trồng xen với cây chuối, mít, đu đủ nhất là chăn nuôi trâu bò, gia cầm và cá nước ngọt. Hiệu quả từ cách làm này đã từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con và đã có không ít hộ có nguồn thu nhập ổn định hàng năm từ 50 đến 100 triệu đồng.
Ảnh: Những đàn bò của bà con đang ung dung gặm cỏ trên cánh đồng trước khu kinh tế mới.
Những triệu phú rừng xanh:
Điển hình như hộ ông Trần Gương, chính từ mảnh đất cằn cỗi này, ông đã vươn lên khá giả nhất vùng từ 2 bàn tay trắng. Cũng như nhiều hộ gia đình khác, cuộc sống ban đầu hết sức khó khăn, làm việc vất vả nhưng vẫn không đủ ăn. Song, gia đình ông vẫn quyết tâm bám trụ nơi vùng quê mới. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện, vợ chồng ông nhận hơn 4 ha đất đồi sau lưng nhà để trồng rừng. Để lấy ngắn nuôi dài, ngoài trồng rừng, ông Gương gầy 6 lợn nái, mua thêm một cặp bò gây đàn và bán dần. Từ năm 2008 đến nay, riêng đàn bò thịt của ông luôn duy trì 10 con và 2 bò cái sinh sản giúp ông tự cung cấp giống. Bò thịt nuôi trên một năm có thể xuất bán với giá 18 – 20 triệu đồng một con. Mỗi năm ông xuất bán từ 4 đến bán 5con bò thịt cùng 150 heo giống, lợi nhuận bình quân được gần 100 triệu đồng. Từ đó đã giúp ông vượt qua khó khăn về vốn mạnh dạn đầu tư vào trồng rừng. Đến nay, sau hơn 20 năm trồng rừng, ông Gương sở hữu trên 14 ha cây keo lai. Bình quân mỗi năm, gia đình ông thu hoạch khoảng 3 ha với giá bán từ 80-120 triệu đồng/ha. Ông chia sẻ thêm, việc trồng và thu hoạch xen kẽ như vậy vừa giúp cho gia đình năm nào cũng có thu nhập và dễ quay vòng vốn tái đầu tư”. Theo ông Đỗ Văn Toàn, cán bộ phụ trách nông-lâm nghiệp thị trấn Bồng Sơn cho biết, trên địa bàn hiện có 355 ha rừng trồng, chủ yếu là keo lai thì trong đó, bà con kinh tế mới đã sở hữu hơn 50% tổng diện tích trên.
Ở khu kinh tế mới Thiết Đính Bắc giờ đây những người như ông Gương không phải hiếm và anh Phan Nhất - cũng là một trong số hàng chục hộ dân nơi đây giàu lên từ kinh tế rừng. Anh tâm sự: “Hồi mới vào đây, nhìn cảnh rừng heo hút, tôi thấy chán nản vô cùng, vợ chồng dựng tạm căn lều nhỏ, đêm nằm ngủ mà nom nóp lo sợ đủ điều, bữa ăn thì chỉ toàn rau, lâu lâu đi chặt bó củi, bắt mớ cá đồng ra ngoài thị trấn bán mới mua được miếng thịt cải thiện, nhưng với quyết tâm đổi đời nên không có bất cứ công việc nặng nhọc nào làm tôi chùn bước. Ngày vào đây chỉ có hai bàn tay trắng, nay thì nhà cửa bề thế, tiện nghi đàng hoàng, rừng thì hơn 10 ha keo lai, 1ha đào ghép trồng xen với chuối, mít; 2,5 ha ruộng, đàn trâu, bò tổng cộng đã 9 con, heo các loại thì lúc nào cũng có vài chục con trở lên… Trung bình mỗi năm cũng thu về trên 200 triệu đồng. Bây giờ thì không còn lo chuyện “thiếu trước, hụt sau” nữa và cũng nói thật là tôi không nghĩ mình có được cuộc sống no đủ như ngày hôm nay”.
Ngồi tiếp chuyện với chúng tôi trong ngôi nhà khang trang được thiết kế theo kiểu dáng biệt thự, thoáng mát, ông Thảo ý tứ với chúng tôi không nên nhắc lại những ngày tháng gian nan khổ cực đã trôi qua và ông cũng không giấu giếm với chúng tôi những gì mà gia đình ông có được ngày hôm nay. Bây giờ thì vợ chồng ông đã thảnh thơi không còn những ngày “đầu tắt mặt tối” như thuở nào nữa, bởi 3 con đều thành đạt có công ăn việc làm ổn định ở thành phố rồi! Còn “vàng xanh” thì cứ để trên núi, muốn bán lúc nào chả được. Vừa rót nước mời khách bà Nguyễn Thị Kim Phượng, vợ ông Thảo, bộc bạch thêm: “Ngày mới vào đây, gia đình tôi được xếp vào hạng “bần hàn” nhất, đã nghèo mà lại có tới 3 con nên vợ chồng tôi cũng cố hết sức phấn đấu làm ăn cho kịp anh em bà con trong xóm. Được biết “gia sản” hiện nay của gia đình ông là 7 ha keo, 300 gốc hồ tiêu đã cho khai thác từ nhiều năm nay, 1ha đào ghép, nhận thầu và khai thác 1 hồ nuôi cá nước ngọt kết hợp với mô hình trồng rau sạch. Nhìn tổng thể trong nhà ngoài chiếc ti vi màn hình phẳng 32 inch, 2 xe máy, dàn Karaoke, 1 tủ lạnh và 1 bộ sa lông sang trọng đặt ngay giữa nhà. Thấy chúng tôi đảo mắt nhìn, bà Phượng áy náy giải bày: “Lâu nay vùng này ít người qua lại nên mình ăn ở sao cũng được, còn bây giờ đời sống cũng khá dần lên rồi nên cũng tươm tất một chút cho dễ coi vậy mà!”.
Ảnh : Vườn Hồ tiêu của gia đình ông Phạm Ngọc Thảo.
Trong những lần tiếp xúc, thăm hỏi công việc với nhiều người dân nơi đây, điều ấn tượng nhất trong tôi là ai cũng chân chất hiền lành và nhất là chân thật. Họ không cạnh tranh, so bì hoặc thêm bớt điều gì về thành quả và công việc của mình. Đối với họ được lao động và lao động chân chính là niềm vui, hạnh phúc rồi.
Ảnh: Gia trại chăn nuôi heo, gà thả vườn của hộ bà Nguyễn Thị Bốn ở khu kinh tế mới
Ông Lê Minh Ninh, Chủ tịch UBND thị trấn Bồng Sơn chia sẻ: “Trước hết phải khẳng định đó quá trình phấn đấu bền bỉ đáng ghi nhận xuất phát từ ý chí, niềm tin và quyết tâm không chịu đói nghèo của bà con khu kinh tế mới trong suốt 25 năm và chính sự năng động, chịu khó, cần cù trong lao động của họ đã mang lại nguồn sinh khí mới, làm thay đổi diện mạo cho cả vùng đất mà trước đó vẫn còn chìm trong cây rừng, cỏ dại, để từng bước vươn lên làm giàu chính đáng”.
Giờ đây đi trên con đường cấp phối vào nội khu kinh tế mới, mặc dù còn gập ghềnh sỏi đá, nhưng những rừng cây lần lượt hiện ra như ôm cả đường làng vào trong màu xanh bất tận khiến lòng ta thanh thản nhẹ nhàng hơn. Keo ngút ngàn thoai thoải xanh ngát trên những quả đồi muốn nói lên cuộc sống vững chắc của người dân nơi đây. Thỉnh thoảng, ta cũng gặp vài khoảnh ruộng nhỏ, nhưng nó nhanh chóng bị che lấp bởi bao la là rừng. Ở đây, người ta làm ruộng chỉ để đỡ quên nghề. Còn cây, con mới thực sự mang đến cơm áo, gạo tiền và đồ dùng đắt tiền hiện đã và đang dần ngự trị trong mỗi ngôi nhà kiên cố kia.
Diệp Bảo Sương (Cập nhật ngày 03-11-2015)
- Currently 1.00/5
Kết quả:
1.0/5 - (1 phiếu)- Trung tâm khuyến nông khuyến ngư tỉnh Bình Định tổ chức hội thảo nhân rộng mô hình thâm canh ngô lai trên đất lúa chuyển đổi. (09-10-2015)
- Triển vọng mới cho cây dừa Hoài Nhơn. (05-10-2015)
- Hoài Nhơn: Hiệu quả mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới (05-10-2015)
- Hội nông dân huyện Hoài Nhơn tổ chức hội nghị biểu dương hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu (05-10-2015)
- Hồ chứa nước Cẩn Hậu niềm mong đợi của người dân Hoài Sơn (20-08-2015)
BẢN QUYỀN THUỘC VỀ ỦY BAN NHÂN DÂN THỊ XÃ HOÀI NHƠN
Địa chỉ: 06 - Đường 28/3 - Phường Bồng sơn - TX.Hoài Nhơn - Bình Định
Tel:+84.0256.3761265 - Fax: +84.0256.3861094
Email: ubndthixahoainhon@hoainhon.binhdinh.gov.vn
Công tác viên gửi tin bài về địa chỉ email: uybannhandanthixahoainhon@gmail.com
Đường dây nóng thông báo sự cố về an toàn thông tin: 02563761265
Chịu trách nhiệm nội dung:Nguyễn Lê Anh Tuấn - Chánh Văn phòng HĐND và UBND thị xã