Được Trung tâm giống thủy sảnBình Định hỗ trợ nguồn giống ban đầu,sau gần 1 năm thực hiện thí điểm mô hình nuôi lươn không bùn trong hồ xây chống thấm tại hộ anh Lê Văn Hoàng ở khối Thiết Đính Bắc thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn) bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế cao, mở ra triển vọng mới cho người nông dân trong việc nuôi trồng thủy sản

      Sau hơn 5 năm rong ruổi từ Quảng Ninh đến Cà Mau làm thuê cho các trang trại nuôi trồng thủy sản, năm 2002 anh Lê Văn Hoàng (1972) ở khối Thiết Đính Bắc thị trấn Bồng Sơn trở về Tam Quan Nam đầu tư xây dựng trại nuôi ươm tôm giống với quy mô cung cấp hàng chục triệu con giống mỗi năm cho thị trường trong và ngoài địa bàn huyện. Đến năm 2013 khi nghề này không còn “hái ra tiền” do đầu ra liên tục bế tắc vì dịch bệnh hoành hành khiến cho không ít cơ sở nuôi ươm cung ứng giống và người nuôi tôm trắng tay. May mắn là anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi trồng các loài thủy hải sản ở nhiều nơi, nhiều vùng trên khắp đất nước, anh quyết định trở về quê và chuyển hướng sang một ngành nghề hoàn toàn mới lạ ngay trên quê hương mình, đó là nuôi lươn trong hồ xây lót gạch chống thấm. “Nhìn vốn liếng ngày càng cạn kiệt, tôi quyết định phải tìm một mô hình nuôi trồng khác ít rủi ro và bền vững hơn”, anh Hoàng chia sẻ.

     Mặc dù sở hữu trong tay một số vốn khá khiêm tốn, nhưng vốn sẵn có máu làm ăn và anh tin rằng so với các vật nuôi khác luôn “chìm nổi” lâu nay như Nhím, chồn, heo rừng, Thỏ, cá lóc thì nuôi lươn chính là nghề hái ra tiền. Đã quyết là làm “làm thật, ăn thật” anh mạnh dạn đầu tư trên 100 triệu đồng xây dựng một trang trại kiên cố gồm 14 hồ nuôi song đôi, mỗi hồ có diện tích 4 - 6m2 tất cả các mặt hông và nền đều được lót gạch chống thấm với đầy đủ hệ thống bơm, xả nước riêng và chung cho từng hồ nuôi khá quy mô, bài bản. Cùng với đó, một hồ nuôi cá trê diện tích 10 m2 được bố trí thấp hơn nằm ở phía cuối trại để thải nước và thức ăn thừa của lươn cho cá trê tận dụng góp phần giảm thiểu mùi hôi phát tán ra môi trường xung quanh.

     Đến tháng 2/2015, sau khi hoàn thành hệ thống chuồng trại, Trung tâm giống thủy sản Bình Định đã hỗ trợ cho anh 1.500 con giống cấp 2, tương đương 40 kg để thực hiện thí điểm mô hình nuôi lươn không cần bùn và sau gần 6 tháng nuôi, 2 hồ nuôi lươn trong mô hình phát triển từng ngày trọng lượng lươn đạt bình quân từ 200 – 250g/con, tỷ lệ sống trên 97%, sản lượng đạt gần 350 kg lươn thương phẩm. Với giá bán hiện nay từ 130 – 140 ngàn đồng/kg thì thu gần 50 triệu đồng. sau khi trừ chi phí ước tính lợi nhuận  khoảng 40 triệu đồng. Đó là sản lượng thu được của đàn lươn nuôi trong mô hình, cùng thời gian trên anh còn nhập thêm 250 kg lươn giống từ Củ Chi  thành phố Hồ Chí Minh về thả trong 12 hồ nuôi còn lại theo phương thức “gối đầu” và anh đã rất thành công với phương pháp làm ăn này. Được biết từ khi bước vào nuôi đến nay anh đã xuất bán ra thị trường gần 700kg lươn thương phẩm. Anh Hoàng cho biết thêm: “Chỉ sợ không có lươn mà bán chứ bao nhiêu đầu mối cũng thu nhận hết”.

Anh Hoàng đang chăm sóc đàn lươn

Ảnh: Anh Hoàng đang chăm sóc đàn lươn

     Theo anh Hoàng, chọn giống chính là khâu quan trọng nhất quyết định thành công hay thất bại trong quá trình nuôi. Lươn giống phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải khoẻ mạnh, kích cỡ đồng đều, bơi lội nhanh nhẹn, không bị xây sát. Mỗi ngày cho lươn ăn một lần, thức ăn cho lươn từ 3-4 tháng tuổi là cá, ốc xay nhỏ, lươn từ 15 ngày đến 1 tháng tuổi tốt nhất là giun quế. Còn lượng thức ăn thì tùy theo số lượng và trọng lượng đàn lươn trong từng hồ nuôi. Sau khi lươn ăn xong, khoảng 3-4 tiếng đồng sau thay nước cho lươn. Nước cung cấp cho hồ nuôi tốt nhất là duy trì khoảng 20-30 cm và phải sạch, không nhiễm khuẩn để tránh lây lan mầm bệnh cho lươn.

     Trong quá trình nuôi, để tạo nơi trú ẩn cho lươn, cần đặt giữa mỗi hồ nuôi từ 3 đến 4 tấm vạt tre hình chữ nhật, bố trí cách đều lên nhau, có thể bằng 1 viên gạch 6 lỗ và đặc biệt cần thường xuyên theo dõi kịp thời phát hiện các cá thể lươn bị bệnh để tách riêng xử lý. Ngoài ra, theo kinh nghiệm của anh để lươn có màu đẹp, hồ nuôi nên lót gạch màu da cam thì lươn sẽ hấp thu màu vàng ươm rất dễ bán.

     Do được liên tục thả nuôi nên hiện tại số lươn từ 1 đến 4 tháng tuổi trong 10 hồ nuôi của anh ước lượng từ nay đến trước, trong và sau tết Bính Thân 2016, nếu không xảy ra những sự cố, sẽ cho trên 1.500 kg lươn thương phẩm xuất bán ra thị trường Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và các tỉnh Tây Nguyên. “Khi nuôi lươn để thành công hơn, ngoài việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tìm kiếm đầu ra ổn định thì người nuôi cũng cần phải quan tâm đến thời điểm xuất bán khi nào là “cháy hàng” nhất để nâng cao giá trị kinh tế cho vật nuôi của mình”. Anh Hoàng chia sẻ thêm.

     Như vậy, có thể nói nuôi lươn không bùn là một hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao ở thị trấn Bồng Sơn hiện nay cần được tiếp tục nhân rộng để giúp người dân có cơ hội vươn lên là giàu chính đáng, góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển đa dạng.


Diệp Bảo Sương  (Cập nhật ngày 15-10-2015)



  • Currently 1.00/5

Kết quả: 1.0/5 - (1 phiếu)

Các tin liên quan:
Ca khúc Hoài NhơnCông báo tỉnh Bình ĐịnhĐường dây nóngkêu gọi đầu tưVăn bản về phòng chống dịch covid -19Phản ánh kiến nghịdanhgiahailongDich vu cong truc tuyenThông tin tuyển dụngHướng dẫn cái đặt BlozoneTra cứu quy hoạchm  xây dựngNop Ho SoCông khai ngân sáchĐỀ TÀI KHOA HỌCCổng dịch vụ công quốc giaBộ thủ tục hành chính cấp huyệnBộ thủ tục hành chính cấp xãLuật thống kêTài liệu họp trực tuyếnNgười phát ngônHồ sơ đề xuất cấp GPMTĐánh giá công chứcThư xin lỗibản đồ hành chinh Việt NamBộ nhận diện Chuyển đổi sốDubaothoitiet

  Liên kết web