Là một trong những địa phương có diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản khá lớn 250ha. Những năm qua, người dân Hoài Nhơn đã triển khai nuôi trồng nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, đem lại thu nhập cho người dân trong đó phải kể đến là nuôi tôm. Tuy nhiên, vài năm gần đây, diện tích nuôi tôm bị bỏ trống ngày càng nhiều do một thời gian dài người nuôi tự phát, thiếu quy hoạch gây ô nhiễm môi trường, tôm nuôi bị dịch bệnh nên người nuôi bị thua lỗ. Để vực dậy nghề nuôi tôm ở địa phương, huyện Hoài Nhơn đang tập trung nhiều giải pháp để hướng đến nuôi tôm bền vững.
Nếu như khoảng năm 2012, diện tích nuôi tôm cả năm của Hoài Nhơn chiếm gần 340ha thì đến cuối năm 2014 diện tích nuôi tôm trên địa bàn huyện chỉ còn 240ha. Bước vào năm 2015, mặc dù đang là thời điểm chính vụ nhưng hiện nay toàn huyện Hoài Nhơn mới chỉ thả nuôi được gần 30ha/120ha theo kế hoạch. Không khí ở các vùng nuôi khá buồn tẻ, cho biết lý do diện tích thả tôm trên địa bàn huyện thấp anh Sử Văn Hưng – Cán bộ Trạm thú y Hoài Nhơn nói: “Mặc dù khung lịch thời vụ nuôi tôm ở Hoài Nhơn đã trôi qua hơn 1 tháng nhưng diện tích nuôi đến nay mới đạt được 25% diện tích kế hoạch do một số địa phương nuôi tăng vụ đến nay mới thu hoạch xong và cải tạo ao hồ chuẩn bị thả lại, mặc khác cơ sở hạ tầng ở vùng nuôi xuống cấp nghiêm trọng, hầu hết các hồ nuôi đều xả thải trực tiếp ra môi trường nên dịch bệnh dễ xảy ra, mới đầu vụ nhưng đã có trên 2ha tôm ở xã Hoài Mỹ bị bệnh đốm trắng và chết sớm gây thua lỗ cho người nuôi”.
Riêng tại xã Hoài Hải, là một trong những địa phương có đến 80% người dân sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản nhưng trong kế hoạch chỉ triển khai thả nuôi khoảng trên 13ha, diện tích còn lại bị bỏ trống. Ông Huỳnh Có – Chủ tịch UBND xã Hoài Hải cho biết: “Hiện nay vùng nuôi ở xã bị ô nhiễm nghiêm trọng, chỉ có một bộ phận người nuôi có điều kiện kinh tế đã thực hiện nâng đáy lót bạc thì tiến hành thả nuôi trong khi đó phần lớn diện tích xung quanh chưa thực hiện lót bạc được phải chấp nhận bỏ trống hồ nuôi vì nếu thả nuôi dễ bị thua lỗ.”.
Ông Nguyễn Văn Lành– Hộ nuôi tôm ở xã Hoài Mỹ cho biết: “Gia đình ông trước đây cũng nuôi tôm ở 2 hồ có diện tích 300m² và 500m² nhưng trong những vụ gần đây gia đình ông phải bỏ trống diện tích vì điều kiện môi trường không đảm bảo để thả nuôi. Trong khi đó chi phí để nâng đáy lót bạc khá tốn kém, điều kiện kinh tế không cho phép nên ông phải để trống”. Ông cũng mong muốn các ngành chức năng ở huyện, tỉnh sớm có giải pháp để cải tạo vùng nuôi, định hướng giúp cho các hộ nuôi tôm như ông.
Để nghề nuôi tôm phát triển bền vững, vấn đề đặt ra đối với huyện Hoài Nhơn là cần tăng cường công tác quy hoạch, quản lý vùng nuôi, điều kiện nuôi, đối tượng nuôi, sản xuất con giống,… chặt chẽ và hiệu quả hơn. Hiện nay, huyện Hoài Nhơn đã chỉ đạo cho Trạm thú y huyện và các địa phương nuôi tôm như: Hoài Hải, Hoài Mỹ, Hoài Hương, Tam Quan, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam và Hoài Châu Bắc tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật để việc nuôi tôm trước khi thả nuôi, hình thành nhóm, tổ nuôi tôm cộng đồng để quản lý vùng nuôi, kịp thời báo cáo cho khuyến ngư viên và cơ quan chuyên môn về tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý, trao đổi về kĩ thuật trong quá trình nuôi nâng cao hiệu quả, đôn đốc các xã, thị trấn xử lý các trường hợp lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích để nuôi tôm, nuôi tôm tự phát không theo quy hoạch.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Chí Công – Trưởng phòng kinh tế huyện Hoài Nhơn cho biết: “Bên cạnh các giải pháp trên, huyện Hoài Nhơn cũng đã triển khai kế hoạch dài hơi về nuôi tôm như: triển khai lập dự án, nâng cấp vùng đầm nuôi tôm xã Hoài Mỹ và Hoài Hải; phối hợp Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững CRSD do Ngân hàng Thế giới WB tài trợ triển khai nâng cấp hạ tầng và quy trình nuôi tôm VietGap ở Khu A, thôn CôngLương, xã Hoài Mỹ. Đến nay, BQL DA đã tổ chức tập huấn hướng dẫn người dân áp dụngcác biện pháp thực hành nuôi tốt, phương pháp nuôi nhiều đối tượng vật nuôi khác nhau trên cùng một diện tích và thực hành ghi chép nhật ký kỹ thuật nuôi an toàn sinh học. Tập huấn cho cán bộ thú y và nông dân các địa phương hưởng lợi từ dự án về phương pháp thu mẫu, chẩn đoán, xử lý bệnh trên tôm nuôi thương phẩm và hướng dẫn quản lý sức khỏe thủy sản nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Tổ chức điều tra truy xuất nguồn gốc con giống tại các vùng nuôi tôm; phổ biến lợi ích sử dụng giống sạch bệnh trong nuôi tôm , góp phần hạn chế dịch bệnh, tăng hiệu quả nuôi trồng thủy sản”.
Hi vọng, với sự quan tâm của các cấp các ngành từ huyện đến địa phương, nghề nuôi tôm ở huyện Hoài Nhơn sẽ phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có để giúp cho người dân nơi đây có một cuộc sống ổn định no đủ hơn.
Ánh Nguyệt (Cập nhật ngày 11-04-2015)
- Currently 1.00/5
Kết quả:
1.0/5 - (1 phiếu)BẢN QUYỀN THUỘC VỀ ỦY BAN NHÂN DÂN THỊ XÃ HOÀI NHƠN
Địa chỉ: 06 - Đường 28/3 - Phường Bồng sơn - TX.Hoài Nhơn - Bình Định
Tel:+84.0256.3761265 - Fax: +84.0256.3861094
Email: ubndthixahoainhon@hoainhon.binhdinh.gov.vn
Công tác viên gửi tin bài về địa chỉ email: uybannhandanthixahoainhon@gmail.com
Đường dây nóng thông báo sự cố về an toàn thông tin: 02563761265
Chịu trách nhiệm nội dung:Nguyễn Lê Anh Tuấn - Chánh Văn phòng HĐND và UBND thị xã