Dự hội thảo có các đồng chí: Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT; Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương và chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số, như: TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, PGS.TS Đỗ Văn Quang - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi.
Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện nhiều sở, ngành, cơ quan, đơn vị đến từ 13 tỉnh/thành phố khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; cùng các nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số và hơn 30 hiệp hội, doanh nghiệp trên cả nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập Báo Tiền phong cho biết, năm 2024 được Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số lựa chọn chủ đề là năm “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: Công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển KT-XH nhanh và bền vững”. Do vậy, hội thảo lần này sẽ góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của kinh tế số, tạo ra diễn đàn trao đổi, chia sẻ những mô hình hay, kinh nghiệm tốt về phát triển kinh tế số ở khu vực. Đồng thời, làm cầu nối giữa các nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số với chính quyền, doanh nghiệp và người dân địa phương. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số nói riêng và chuyển đổi số nói chung tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Chuyển đổi số là cơ hội để phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Bình Định
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang cũng cho rằng: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội chưa từng có cho các nước, các địa phương, doanh nghiệp trên thế giới vượt lên trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tại Bình Định, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20.9.2021 về chuyển đổi số, xác định chuyển đổi số là cơ hội để phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Đến nay, công tác chuyển đổi số của Bình Định có nhiều chuyển biến tích cực: Công nghiệp công nghệ thông tin có nhiều khởi sắc với việc hình thành Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định và sự tham gia của nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam. Có 2 tập đoàn lớn về công nghệ thông tin đang hoạt động tại đây, là TMA và FPT, với trên 1.000 nhân sự. Doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh năm 2023 ước đạt 1.363 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 57 tỷ đồng…
“Hội thảo là hoạt động cần thiết và có ý nghĩa giúp các tỉnh trong khu vực có thêm ý kiến tham vấn từ các chuyên gia và nhà khoa học trong quá trình phát triển kinh tế số. Là cơ hội để các tỉnh, địa phương gặp gỡ, chia sẻ, trao đổi những mô hình đã triển khai thành công; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn, thúc đẩy kinh tế số phát triển với điểm đột phá là đẩy nhanh, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các doanh nghiệp dựa trên các nền tảng số”, ông Giang nhấn mạnh.
Hội thảo là sự kết nối để làm sâu sắc hơn những quan hệ hợp tác đã có, từ đó đưa kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên khởi sắc
Nhận định việc tận dụng lợi thế công nghệ sẽ giúp vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên gỡ bỏ được “nút thắt” về tính liên kết nội vùng và liên vùng, phát huy các lợi thế sẵn có, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho hay, hội thảo này là cơ hội tốt để các tỉnh cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp, mô hình để đưa kinh tế số trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế của địa phương, của vùng; cùng nhau hợp tác để tạo nên những thay đổi mang tính tích cực, thiết thực và bền vững. Trách nhiệm chính của việc thúc đẩy kinh tế số tăng trưởng chính là ở các DN, các hiệp hội, các tổ chức. Đồng thời, hy vọng hội thảo sẽ khởi nguồn cho nhiều hợp tác trong tương lai, là sự kết nối để làm sâu sắc hơn những quan hệ hợp tác đã có, từ đó đưa kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên khởi sắc.
Tại Hội thảo, nhiều mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong chuyển đổi số đã được đại diện các bộ ngành, địa phương, chuyên gia và DN chia sẻ. Cụ thể, đại diện Vụ Kinh tế số (Bộ TT&TT) chia sẻ bức tranh toàn cảnh về kinh tế số tại Việt Nam, cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế số. Đại diện Bộ NN&PTNT chia sẻ các định hướng về chuyển đổi số nông nghiệp - lĩnh vực kinh tế then chốt của khu vực. Sở TT&TT Bình Định chia sẻ một số vấn đề phát triển kinh tế số địa phương từ kinh nghiệm của tỉnh. Đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT, với vai trò là nhà cung cấp dịch vụ chuyển đổi số hàng đầu cả nước mang đến các bài tham luận về vai trò của dữ liệu cơ sở các ngành kinh tế cũng như các giải pháp chuyển đổi số nông nghiệp. Tổng công ty Viễn thông MobiFone mang đến giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch. Ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty CP Tin học Giải pháp tích hợp mở chia sẻ về vai trò của cơ sở dữ liệu với phát triển kinh tế số.
Đặc biệt, Trường ĐH Thủy lợi còn có tham luận về câu chuyện chuyển đổi số thành công, là mô hình áp dụng nền tảng IOT trong xây dựng hệ thống quản lý tài nguyên nước, an toàn hồ đập và cảnh báo thiên tai. Anh Đặng Dương Minh Hoàng, gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023 mang đến hội thảo câu chuyện về HTX Dịch vụ Nông nghiệp số Bình Phước, nơi tiên phong xây dựng mã vùng trồng cho các loại cây ăn quả, số hóa từng cây, mỗi cây là một trang website, một nhật ký điện tử và làm mô hình xuất khẩu chính ngạch vào thị trường các nước, đặc biệt là ASEAN và Trung Quốc.
Tham gia tham luận tại Hội thảo thúc đẩy kinh tế số khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở TT&TT, đã chia sẻ một số vấn đề phát triển kinh tế số địa phương từ kinh nghiệm của tỉnh:
Kinh tế số là tất cả các hoạt động dựa trên hoặc được đổi mới bởi công nghệ số, hạ tầng số, nền tảng số, sản phẩm số, dữ liệu số, thể chế số, kỹ năng số. Trong đó, kinh tế số bao gồm hai thành phần: Công nghiệp ICT (công nghiệp công nghệ số) và kinh tế số ngành, lĩnh vực.
Nhắc đến chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế hay kinh tế số, không thể không nhắc đến một khái niệm tương đối mới đó là kinh tế chia sẻ/kinh tế nền tảng - đây là 1 phần trong công nghiệp ICT. Nền kinh tế chia sẻ là một thuật ngữ đề cập đến mô hình kinh doanh khai thác tài nguyên sẵn có của người dùng cuối và kết hợp với các yếu tố công nghệ để hợp thành một mô hình kinh doanh. Một số ví dụ về kinh tế chia sẻ: Grab, một trong những công ty taxi lớn nhất thế giới, không sở hữu phương tiện nào. Facebook, chủ sở hữu công cụ truyền thông phổ biến nhất thế giới, hoàn toàn không tạo ra nội dung. Alibaba, một trong những nhà bán lẻ có giá trị nhất, không có hàng tồn kho. Và Airbnb, nhà cung cấp chỗ ở lớn nhất thế giới, không sở hữu bất động sản. Nghe có vẻ nghịch lý nhưng đó là thực tế đang diễn ra với mô hình kinh tế chia sẻ.
Mục tiêu cơ bản của kinh tế số Bình Định đến năm 2025 phấn đấu kinh tế số chiếm 10% GRDP; tối thiểu 50% sản phẩm hàng hóa và dịch vụ được chứng nhận thương hiệu có mặt trên các sàn thương mại điện tử; 50% các DN nhỏ và vừa (DN, HTX, hộ kinh doanh) thực hiện chuyển đổi số. Địa phương cũng phấn đấu hình thành 100 DN công nghệ số, DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, mục tiêu của tỉnh sẽ đạt tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%. Ngoài ra, tỉnh cũng hình thành Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định và tham gia vào Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung trong năm 2022; thu hút khoảng 2.000 chuyên gia, lao động làm việc tại Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định và Trung tâm trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ Long Vân.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông