Ảnh: Quảng trường huyện

     Tròn 45 năm đất nước thống nhất (30.04.1975-30.04.2020), nhưng khi nghe những ca từ của bài hát Đất nước trọn niềm vui do Nhạc sĩ Hoàng Hà sáng tác như: “Hội toàn thắng náo nức đất nước, ta muốn bay lên, say ngắm sông núi hiên ngang, ta muốn reo vang, hát ca muôn đời Việt Nam, Tổ quốc anh hùng!”, mỗi người dân Việt Nam lại rạo rực một cảm xúc tự hào. Năm nay, trong niềm vui chung của đất nước, mỗi người dân Hoài Nhơn dâng trào niềm vui của quê hương khi chiều ngày 22.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập 3 thị xã: Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định; Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa và Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, Nghị quyết chính thức có hiệu lực từ ngày 01.06.2020.

        Trong không khí phấn khởi kỉ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước, quê hương Hoài Nhơn rợp bóng cờ hoa, những hạng mục quan trọng để đáp ứng diện mạo thị xã Hoài Nhơn được gấp rút hoàn thành. Các tuyến đường hoa, công trình công cộng, hạ tầng giao thông, đô thị,… đang hoàn thiện để từ ngày 01.06.2020, huyện Hoài Nhơn chính thức thay tên: thị xã Hoài Nhơn.

          Chủ trương thành lập thị xã Hoài Nhơn được ấp ủ từ lâu, đặc biệt, trong những năm qua, huyện Hoài Nhơn đã tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu để đáp ứng mục tiêu xây dựng thị xã Hoài Nhơn. Tính từ năm 2015 đến nay, huyện Hoài Nhơn đã huy động trên 3.200 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, chỉnh trang và phát triển đô thị. Nhờ vậy, hạ tầng điện, đường, trường, trạm trên địa bàn ngày càng hoàn thiện, nhiều công trình kinh tế, văn hóa được đầu tư xây dựng chỉnh trang theo hướng xanh, sạch, đẹp. Kinh tế của huyện cũng luôn tăng trưởng và phát triển với tổng giá trị sản xuất năm 2019 đạt gần 20.650 tỷ đồng; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ chiếm trên 79%. Tổng giá trị xuất khẩu năm 2019 đạt trên 131 triệu USD, tăng gần 23% so năm 2018. Cùng với phát triển kinh tế, các hoạt động văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao với thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng 1 năm.       

       Sau bao nhiêu nỗ lực, ước nguyện của chính quyền và nhân dân về việc xây dựng thị xã Hoài Nhơn thành hiện thực, ông Mai Văn Vạn, ở thôn Định Trị, xã Hoài Mỹ vui mừng cho biết: “Nghe tin Hoài Nhơn được lên thị xã tôi cảm thấy rất vui mừng, hạnh phúc, có thể nói những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã có nhiều nỗ lực, từ xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn đô thị loại 4, bây giờ càng phấn khởi, tự hào khi xây dựng thành công Hoài Nhơn lên thị xã”.

    Theo Nghị quyết đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua, Thị xã Hoài Nhơn được thành lập trên cơ sở toàn bộ hơn 420 km2 diện tích tự nhiên với dân số hơn 212.000 người của huyện Hoài Nhơn và 17 đơn vị hành chính, gồm 11 phường: Bồng Sơn, Tam Quan, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, Hoài Hảo, Hoài Thanh Tây, Hoài Thanh, Hoài Hương, Hoài Tân, Hoài Xuân, Hoài Đức và 6 xã: Hoài Sơn, Hoài Châu Bắc, Hoài Châu, Hoài Phú, Hoài Hải, Hoài Mỹ.

       Bày tỏ niềm vui huyện Hoài Nhơn lên thị xã, ông Nguyễn Văn Anh, một người dân ở khối 5, thị trấn Bồng Sơn nói: “Chủ trương xây dựng thị xã Hoài Nhơn được nhân dân đồng tình hưởng ứng cũng như mong mỏi từ lâu, giờ nghe Hoài Nhơn lên thị xã người dân rất phấn khởi vui mừng. Ngoài việc nhà nước sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng, người dân cũng có cơ hội để thể hiện mình, cùng chung tay với Nhà nước trong xây dựng thị xã giàu đẹp, văn minh, phát triển hơn nữa trong thời gian sắp tới”.

       Thị xã Hoài Nhơn được đánh giá có nhiều lợi thế để phát triển, có ví trí cách TP. Quy Nhơn - đô thị trung tâm tỉnh lỵ Bình Định 85km về phía bắc và cách thành phố Quảng Ngãi - đô thị trung tâm tỉnh lỵ Quảng Ngãi - 90km về phía nam; có đường bờ biển dài 24km, với 2 cửa biển Tam Quan và An Dũ và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cấp vùng. Thị xã Hoài Nhơn có quốc lộ 1, đường sắt chạy dọc chiều dài của huyện, với 2 nhà ga đường sắt Bồng Sơn và Tam Quan; là đầu mối của các tuyến tỉnh lộ ĐT629, ĐT630, ĐT638, đường quốc gia ven biển ĐT639 và hệ thống cầu, đập bắc qua sông Lại Giang nối liền các huyện thuộc khu vực phía bắc tỉnh Bình Định. Vì vậy, theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng, việc thành lập thị xã Hoài Nhơn và các phường thuộc thị xã có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Bình Định nhằm tạo ra một trung tâm tăng trưởng kinh tế - xã hội ở phía Bắc tỉnh và là một cực tăng trưởng, phát triển mới của tỉnh trong những năm tới. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết: “Việc đưa Hoài Nhơn lên thị xã sẽ tạo động lực mới để thúc đây phát triển kinh tế xã hội phía Bắc tỉnh. Chính vì vậy thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã hết sức tạo điều kiện để đầu tư kết cấu hạ tầng cũng như tăng năng suất lao động và thực hiện việc chỉnh trang đô thị để tạo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu đưa Hoài Nhơn trở thành thị xã. Hi vọng với sự ra đời một thị xã mới, cùng với TP Quy Nhơn, thị xã An Nhơn thì thị xã Hoài Nhơn trong tương lai sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bình Định nhất là khu vực phía Bắc của tỉnh”.  

         


Ánh Nguyệt  (Cập nhật ngày 29-04-2020)



  • Currently 3.00/5

Kết quả: 3.0/5 - (2 phiếu)

Các tin liên quan:
Ca khúc Hoài NhơnCông báo tỉnh Bình ĐịnhĐường dây nóngkêu gọi đầu tưVăn bản về phòng chống dịch covid -19Phản ánh kiến nghịdanhgiahailongDich vu cong truc tuyenThông tin tuyển dụngHướng dẫn cái đặt BlozoneTra cứu quy hoạchm  xây dựngNop Ho SoCông khai ngân sáchĐỀ TÀI KHOA HỌCCổng dịch vụ công quốc giaBộ thủ tục hành chính cấp huyệnBộ thủ tục hành chính cấp xãLuật thống kêTài liệu họp trực tuyếnNgười phát ngônHồ sơ đề xuất cấp GPMTĐánh giá công chứcThư xin lỗibản đồ hành chinh Việt NamBộ nhận diện Chuyển đổi sốDubaothoitiet

  Liên kết web