Bà Nguyễn Thị Út, một trong số 13 hộ dân khối 1 giới thiệu quy trình gieo giá đỗ theo chu kỳ và thu hoạch giá trên vùng đất soi bồi An Đông
Ven bờ Bắc sông Lại từ khối Trung Lương đến vùng đất bãi bồi An Đông khối 1, thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn) từ xưa đến nay, ngoài chăn nuôi trồng trọt người dân nơi đây còn có nghề đặc trưng nghề làm giá đỗ.
Giá là một loại rau được gieo từ hạt đậu xanh trong cát sau ba ngày đêm là thu được sản phẩm. Giá được coi là một loại rau sạch, mát và bổ dưỡng, có thể ăn sống cùng với các loại rau khác, trộn gỏi, chiên xào, nấu canh hoặc làm chua…nên không có mâm ăn nào từ bình dân đến sang trọng lại thiếu món rau được ưa chuộng này.
Hàng ngày cứ vào độ tản sáng rau giá ở vùng này được chở đi tiêu thụ khắp nơi trong và ngoài huyện nhưng chủ yếu là ở các chợ quê, nhà hàng, quán ăn, nhiều người còn chở hàng trăm ký xuống các chợ ven biển ra Sa Huỳnh hoặc vào tận Phù Mỹ bỏ mối cho bạn hàng.
Nghề gieo giá đỗ vốn đầu tư ban đầu không nhiều, bởi không trang bị gì thêm ngoài vài đôi giỏ sắt, chục rổ sảo tre dùng để đựng – rửa giá khi thu hoạch. Thế nhưng, để đạt hiệu quả trong sản xuất đòi hỏi người làm công việc này phải thực sự chịu khó và kinh nghiệm từ người nhà truyền lại. Theo bà Lê Thị Thành - 51 tuổi ở An Đông khối 1 thị trấn Bồng Sơn, gia đình bà có đến ba đời làm nghề này tâm sự: “Không phải loại đậu xanh nào cũng gieo ra được giá và đạt năng suất, chất lượng như nhau cho nên các công đoạn chọn, ngâm, ủ đậu trước khi gieo vào hầm cũng phải đòi hỏi “bí quyết” để đến thời hạn khui hầm thì giá vừa lên đúng tầm thu hoạch: “không non và cũng không già”. Tiếp đến phần đệm phủ cát từng lớp như thế nào để giá mọc đều và không bị xoắn cục. Một khâu không kém phần quan trọng quyết định thành công cho mỗi đợt gieo là tạo độ ẩm cho mỗi hầm, nếu thiếu độ ẩm khi thu hoạch giá sẽ gãy nhiều vì thân khô - độ ẩm cao, giá thừa nước dẫn đến bủn thân, thối gốc… tất cả đều cho năng suất thấp. Cũng theo bà Thành, khoảng hơn chục năm về trước loại đậu xanh dùng để gieo giá thị trường trong tỉnh của mình rất nhiều, giá thành lại rẻ, nhưng những năm gần đây đậu xanh ở vùng này tuy hạt rất đều, mẩy, to và đẹp nhưng không hiểu vì sao khi đưa vào hầm gieo, kết quả năng suất liên tục đạt thấp, 1kg đậu xanh loại này, cho dù làm đúng theo quy trình gieo nhưng cao nhất vẫn chỉ đạt từ 3 – 4kg giá thành phẩm còn lại hầu như không thể nẩy mầm, hạt thâm đen và thối rữa. Trong khi đó loại đậu xanh mua ở nơi khác 1kg đậu khi gieo cho ra từ 8 – 9 kg nên bà con chúng tôi chỉ sử dụng loại đậu xanh sẻ của thương lái từ các tỉnh miền Bắc hoặc Tây nguyên đem về gieo mới đạt năng suất.
Chia sẻ quy trình gieo giá đỗ, ông Huỳnh Quang Quốc, 55 tuổi - người có thâm niên trên 20 năm làm nghề này thổ lộ: “Nghề làm giá đỗ không nhọc sức nhưng rất nhọc công. Để có rau cung cấp thường xuyên hàng ngày, người sản xuất phải dựa trên đặc điểm sinh trưởng của giá để bố trí gieo theo cách “gối đầu” đồng thời để đảm bảo năng suất cũng như chất lượng; tránh cho thân giá khỏi bị vàng ố bởi những hạt bùn lẫn trong cát, khi chọn bãi gieo, trước tiên nơi đó phải là vùng đất phù sa – mịn và cao hơn mặt nước sông, sau đó mới tiến hành đào hầm gieo. Mỗi hầm thường có đường kính 0,6 m – 0,7 m sâu không quá 0,6 m nếu lớn hơn kích thước này thì rất khó cho công đoạn gieo và thu hoạch. Khi gieo người ta chia thành nhiều đợt; mỗi đợt cách nhau từ 3-4 ngày, mỗi lần gieo từ 10 đến 12 hầm. Có thể nhiều hơn do nhu cầu bạn hàng của từng người. Nhưng mỗi hầm theo quy cách này chỉ gieo 1kg đậu xanh là vừa đủ cho sự nảy mầm và phát triển thành 8 đến 9kg giá thành phẩm, đồng thời để đảm bảo sản lượng và chất lượng người làm nghề phải thường xuyên thay cát ủ hầm, sử dụng nguồn nước thật sạch để tạo độ ẩm, nếu không hạt đậu sẽ thiếu chất dinh dưỡng chậm phát triển, sản phẩm đạt thấp, chất lượng rau dai và nhạt nhẽo!
Về làm dâu ở khối 4, gần 30 năm nay và cũng ngần ấy thời gian chị Nguyễn Thị Toàn (49 tuổi) luôn gắn bó với nghề gieo giá đỗ và không có ngày nào vợ chồng chị vắng bóng trên vùng bãi soi khối Phụ Đức để sản xuất rau. Hàng ngày, khoảng từ 1 đến 3 giờ sáng anh chị và các con đã có mặt tại hầm để thu hoạch sao cho đến tờ mờ sáng là có rau chở đi giao cho khách hàng. Chiều vệ sinh hầm và gieo theo chu kỳ tới. Buổi tối làm sạch đậu rồi ủ sơ bằng nước tạo độ ẩm trước khi cho vào hầm gieo đợt kế tiếp. Đặc biệt khi trời mưa phải che chắn kỹ và tuyệt đối không để nước tràn vào hầm. Công việc cứ thế quần quật quanh năm, tuy vậy nhưng thu nhập từ nghề này khá ổn định. Chị hoạch toán, cứ 1 kg hạt đậu sẽ cho ttrên dưới 9 kg rau. Trung bình hàng ngày tôi gieo 15kg, giá mỗi kg đậu xanh hạt hiện nay là 40 ngàn đồng/kg sau gieo sẽ cho ra từ 120 – 125 kg rau giá, bỏ sỉ 9.000đồng/kg. Như vậy sau khi trừ chi phí vốn gốc, tiền điện bơm nước, xăng xe đi bỏ mối và hao hụt trong khi thu hoạch mỗi ngày gia đình chị cũng thu nhập được hơn 400 ngàn đồng.
Khác với công việc thường nhật của bà con trong vùng sản xuất giá đỗ, hàng ngày ông Trần Văn Lành, (52 tuổi) ở khối 1 thu hoạch giá bắt đầu từ 7 đến 10 giờ tối để chuẩn bị cho 4 giờ sáng hôm sau ông vận chuyển ra Sa Huỳnh giao cho mối hàng. Nói về hành trình mưu sinh của mình, ông Lành thật thà bày tỏ: “Tôi có bạn hàng ở ngoài này hơn 10 năm rồi, giá cả luôn cao và ổn định hơn, đặc biệt là chưa bao giờ bị “dội hàng”. Trung bình hàng ngày tôi bỏ mối ở đây trên 200 kg giá, lợi nhuận gần một nửa, mặc dù đường vận chuyển có xa hơn nhưng việc làm ăn luôn thuận lợi nên rất vui và ham làm”.
Theo thống kê của Hội Nông dân thị trấn Bồng Sơn, hiện nay trên địa bàn 5 khối ven sông Lại có 19 hộ sản xuất rau giá hàng ngày, trong đó tập trung nhiều nhất là khối 1 chiếm 13 hộ, bởi vùng đất này hiện có trên 15ha đất bãi bồi rất thuận lợi cho việc giữ gìn và phát triển nghề theo hướng sản xuất sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Ông Trần Đức Huy, Khối trưởng khối 1 chia sẻ thêm: “Ngoài nghề truyền thống làm đậu khuôn, nhiều năm qua nghề gieo giá đỗ trên địa bàn khối 1 chúng tôi không những được bà con duy trì mà ngày càng phát triển mạnh. Được biết, trung bình mỗi ngày bà con nơi đây thu hoạch và xuất bán ra nhiều địa phương khác cả ngàn kg rau giá sạch mang lại nguồn thu khá ổn định không những giúp cho nhiều hộ có của ăn của để, xây dựng nhà cửa khang trang nuôi con cái học hành đến nơi, đến chốn mà còn góp phần tạo nguồn rau sạch cung cấp ổn định cho thị trường trong và ngoài huyện.
Diệp bảo Sương (Cập nhật ngày 28-02-2019)
- Currently 1.50/5
Kết quả:
1.5/5 - (2 phiếu)- Huyện Hoài Nhơn tổ chức Lễ phát động ra quân khai thác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi hải sản năm 2019 (25-02-2019)
- Thanh niên Hoài Nhơn hào hứng trong ngày giao quân (21-02-2019)
- Đoàn nghệ thuật tuồng Hoài Nhơn biểu diễn ra mắt. (21-02-2019)
- Hoài Nhơn tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Kỷ Hợi 2019 (14-02-2019)
- Lãnh đạo huyện đã đi thăm, chúc Tết các DN trên địa bàn huyện nhân dịp đầu năm mới. (14-02-2019)
BẢN QUYỀN THUỘC VỀ ỦY BAN NHÂN DÂN THỊ XÃ HOÀI NHƠN
Địa chỉ: 06 - Đường 28/3 - Phường Bồng sơn - TX.Hoài Nhơn - Bình Định
Tel:+84.0256.3761265 - Fax: +84.0256.3861094
Email: ubndthixahoainhon@hoainhon.binhdinh.gov.vn
Công tác viên gửi tin bài về địa chỉ email: uybannhandanthixahoainhon@gmail.com
Đường dây nóng thông báo sự cố về an toàn thông tin: 02563761265
Chịu trách nhiệm nội dung:Nguyễn Lê Anh Tuấn - Chánh Văn phòng HĐND và UBND thị xã