Trong vụ Hè Thu năm 2017, Trạm khuyến nông huyện Hoài Nhơn đã phối hợp với UBND xã Hoài Phú triển khai sản xuất mô hình cánh đồng mẫu lớn thâm canh cây lạc L14 trên đất lúa chuyển đổi với quy mô 17ha. Đây là mô hình cánh đồng mẫu lớn đầu tiên của huyện Hoài Nhơn triển khai sản xuất cây trồng cạn, mô hình đã đem lại những hiệu quả bước đầu tạo động lực cho bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi và sản xuất theo chuỗi để nâng cao giá trị kinh tế từ nông nghiệp.

    Sau hơn 3 tháng xuống giống với sự thấp thỏm lo âu vì đây là lần đầu tiên nông dân chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây trồng cạn với diện tích khá lớn, thậm chí có những hộ chuyển đổi toàn bộ diện tích thì đến nay, tại cánh đồng Dông thuộc thôn Mỹ Bình 2 và Mỹ Bình 3, xã Hoài Phú bà con nông dân địa phương đang rất phấn khởi thu hoạch các diện tích lạc với niềm vui được mùa.

    Tại ruộng lạc của gia đình bà Phan Thị Lệ ở thôn Mỹ Bình 2 đang tấp nập nhân công thu hoạch lạc. Bà Lệ cho biết vụ này ngoài đất của gia đình bà còn thuê gần 2 mẫu đất của các hộ khác để trồng lạc nên ngoài những người thân trong gia đình bà phải thuê thêm một số người đến để phụ thu hoạch, theo ước tính ban đầu bình quân mỗi sào bà thu trên 200kg lạc tươi, lạc chắc, nhiều trái, có bụi hơn 30 trái, so với làm lúa thì làm lạc đạt hiệu quả cao hơn nhiều.

    Ông Huỳnh Kinh ở thôn Mỹ Bình 3 cũng canh tác 4 sào lạc theo mô hình trên, ông Kinh chia sẻ đây là lần đầu tiên gia đình chuyển đổi sang trồng lạc nên lúc đầu cũng e ngại, sợ nếu có rủi ro thì coi như mất trắng, nhưng đến giờ thu hoạch thì thấy kết quả rất khả quan, hơn hẳn trồng lúa, ông Kinh cho hay: “Hầu giờ không trồng lạc, mọi năm mùa này trồng lúa, gặp trời hạn thiếu nước, lúa thu hoạch cũng không được bao nhiêu; năm nay chuyển sang trồng mô hình lạc. Sau hơn 3 tháng trồng nay thu hoạch được nhiều lạc bà con mừng lắm; lạc đạt chất lượng; tính ra thu gần gấp đôi so với trồng cây lúa, nên bà con ở đây cũng mong muốn được nhân rộng mô hình này ra nhất ở những diện tích gò đồi nước tưới không đảm bảo”.

     Theo đánh giá mô hình, với mỗi ha lạc trong mô hình cho năng suất đạt trên 26 tạ/ha, cao hơn 6 tạ/ha so với giống lạc ngoài mô hình tại địa phương, lợi nhuận mỗi ha lạc đem lại cho bà con nông dân là 20 triệu đồng/ha, cao gấp đôi so với  giống lúa đối chứng ĐV 108 trên cùng chân đất. Bên cạnh đó, nó còn góp phần cải tạo đất, giảm sâu bệnh cho vụ sau cũng như tiết kiệm nguồn nước tưới trong thời tiết nắng hạn nên nông dân địa phương rất thích và mong muốn được duy trì và nhân rộng mô hình trong thời gian đến.

     Mặc dù mô hình đạt kết quả rất khả quan, tuy nhiên để đạt hiệu quả cao trong thời gian tới cũng như làm cơ sở để nhân mô hình ra diện rộng lãnh đạo địa phương cũng như bà con nông dân rất mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục giành sự quan tâm cho nông dân đặc biệt là đưa các biện pháp cơ giới hóa trong trồng trọt cũng như thu hoạch để giảm thiểu chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân. Ông Phùng Thanh Ngọc – Chủ tịch UBND xã Hoài Phú cho biết: “Hoài Phú là xã thuần nông với 90% diện tích đất nông nghiệp nên Đảng bộ chính quyền xã xác định việc chuyển đổi cây trồng là mục tiêu then chốt nhằm giúp phát triển nông nghiệp trên địa bàn xã. Việc triển khai mô hình ban đầu cũng gặp rất nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm đến giờ này mô hình đã thành công, nông dân rất phấn khởi. Và thời gian tới xã cũng muốn tiếp tục được nhân rộng mô hình này đồng thời cũng đề xuất kiến nghị Nhà nước có kinh phí hỗ trợ theo chủ trương, tạo điều kiện cơ giới hóa các khâu sản xuất để hạn chế công lao động cho bà con nông dân; về phía nhà khoa học kĩ thuật cần quan tâm đầu tư tìm ra những giống và cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng tại địa phương và nhà cung ứng vật tư thu mua đảm bảo đúng hợp đồng và đầu ra sản phẩm cho nông dân”.

     Việc triển khai sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn và cánh đồng kĩ thuật tiên tiến đối với cây trồng cạn đã được huyện Hoài Nhơn triển khai nhân rộng trong nhiều năm qua và được nông dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, việc triển khai thành công mô hình cánh đồng lạc theo mô hình cánh đồng mẫu lớn trên đất lúa chuyển đổi ở xã Hoài Phú là bước ngoặc mới trong sản xuất cây trồng cạn theo chuỗi liên kết giữa cung ứng, quy trình kĩ thuật và thị trường tiêu thụ. Hi vọng với sự thành công từ mô hình sẽ có thêm nhiều địa phương trên địa bàn huyện mạnh dạn học tập và làm theo để góp phần nâng cao đời sống cho nông dân, cụ thể hóa chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định số 899 ngày 10 tháng 06 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ. 


Thái Ngân  (Cập nhật ngày 06-07-2017)



  • Currently 1.00/5

Kết quả: 1.0/5 - (1 phiếu)

Các tin liên quan:
Ca khúc Hoài NhơnCông báo tỉnh Bình ĐịnhĐường dây nóngkêu gọi đầu tưVăn bản về phòng chống dịch covid -19Phản ánh kiến nghịdanhgiahailongDich vu cong truc tuyenThông tin tuyển dụngHướng dẫn cái đặt BlozoneTra cứu quy hoạchm  xây dựngNop Ho SoCông khai ngân sáchĐỀ TÀI KHOA HỌCCổng dịch vụ công quốc giaBộ thủ tục hành chính cấp huyệnBộ thủ tục hành chính cấp xãLuật thống kêTài liệu họp trực tuyếnNgười phát ngônHồ sơ đề xuất cấp GPMTĐánh giá công chứcThư xin lỗibản đồ hành chinh Việt NamBộ nhận diện Chuyển đổi sốDubaothoitiet

  Liên kết web