“Chỉ huy trưởng” một đội tàu 16 chiếc công suất lớn chuyên khai thác đánh bắt hải sản trên các vùng biển xa có hiệu quả, hạn chế được rủi ro là điều không dễ dàng. Nhưng với khả năng nhanh nhạy và sớm thực hiện thành công tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển, lão ngư Bùi Thanh Ninh (1957) ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) đã điều khiển đội tàu cá của mình liên tục “ăn nên làm ra” trong nhiều năm qua.
Từ ước mơ đến hiện thực.
Nhắc lại thời niên thiếu của mình, lão ngư Bùi Thanh Ninh buông gọn một câu thán não nề: “khổ lắm chú, tôi không dám nhớ lại cảnh cơ cực bần hàn hồi trước đâu”!
Ông Ninh kể cái sự khổ “không dám nhớ” của mình: Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề biển, đông con, là con cả nên hàng ngày ông phải theo cha ra vùng biển gần nhà giăng câu, thả lưới kiếm con tôm con cá đổi gạo chạy ăn từng bữa. Năm 1978, ông xung phong đi nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Năm 1980 ông Ninh xuất ngũ, người lính trẻ về quê với tài sản duy nhất là chiếc ba lô cũ kỹ cùng mấy bộ quân phục đã sờn rách. Về nhà, ông Ninh lại phải gánh vác cuộc sống của gia đình. Dân biển thì chỉ biết bám biển mưu sinh, ban đầu ông xin đi bạn một tàu cá ở địa phương. Thời điểm bấy giờ, phương tiện đánh bắt toàn công suất nhỏ, không thể đánh bắt xa bờ, nguồn lợi thủy sản ven bờ thì cạn kiệt, thu nhập chẳng thể đắp đổi qua ngày. Trong quá trình đi bạn, ông nhận thấy mặt hàng cá chuồn được thị trường ngoài Bắc ăn mạnh, trăn trở suy tính một thời gian, sau đó ông quyết định nghỉ nghề đi bạn và mạnh dạn vay của Ngân hàng NN & PTNT huyện Hoài Nhơn 5 triệu đồng để làm vốn đi buôn. Thế là ông trở thành lái buôn cá chuồn, mặc dù vậy nhưng trong lòng ông luôn nuôi dưỡng một ước mơ sớm có được một chiếc tàu cá công suất lớn để chinh phục biển xa.
Nhờ làm ăn thiệt thà có uy tín với nhiều đại lý ngoài ấy, nên chuyến hàng nào của ông cũng mang lại lợi nhuận giúp ông có điều kiện dành dụm tích cóp dần để nuôi dưỡng “ước mơ”. Khi đã có được một số vốn kha khá, ôngtự vẽ thiết kế rồi trực tiếp đi mua gỗ về thuê thợ đóng tàu theo khả năng tài chính của mình. Đó là lần đầu tiên ông đã trở thành chủ của chiếc tàu công suất 30 CV. Khi trong tay đã có phương tiện như tiếp thêm sức mạnh, ông vừa tham gia đánh bắt hải sản, vừa kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá và tiếp tục đóng tàu. Bằng nỗ lực và quyết tâm cao, đến năm 2000 ông đã có trong tay 3 chiếc tàu đánh bắt xa bờvới tổng công suất trên 1.500 CV.
Nhờ lộc biển, 3 chiếc tàu của ông chuyến nào cập bờ cá mực cũng đầy khoang, tiền vào như nước. Với ông, khát vọng “chinh phục” biển không có điểm dừng, vậy nên hễ có vốn là ông lại vội vàng đi làm thủ tục đóng tàu mới, đến năm 2010, ông Ninh đã làm chủ đến 10 chiếc tàu cá “khủng” chuyên hành nghề lưới vây đánh bắt cá ngừ sọc dưa. Ngưỡng mộ cách tổ chức đánh bắt hiệu quả của ông, nhiều chủ tàu trong vùng xin gia nhập vào đội tàu của ông để cùng nhau làm ăn. Đến nay, đội tàu của ông Ninh đã có 16 chiếc với tổng công suất gần 8.000 CV. Số lượng ngư dân trực tiếp đánh bắt trên biển là 150 người. Ngoài ra, còn có 20 lao động khác làm việc theo con trăng, khi tàu cập bờ thì đưa cá lên bờ hoặc vá lưới. Thấy đội tàu cá tại địa phương ngày càng tăng số lượng, ông Ninh làm thêm các dịch vụ cung ứng nhiên liệu, lương thực và đá lạnh, đồng thời bao tiêu sản phẩm của các tàu cá trong vùng, ông còn lập riêng một xưởng chuyên đóng mới và sửa chữa tàu cá trong đội tàu của mình.
Ảnh:Xưởng đóng mới sửa chữa tàu cá riêng của ông gia đình ông Ninh.
Tài “điều binh” và sức mạnh của sự đoàn kết.
Ngay từ rất sớm, ông đã nghĩ đến việc lập tổ đoàn kết trên biển để hỗ trợ nhau trong quá trình đánh bắt. “Năm 2000, khi đã sở hữu 3 tàu cá tôi liền thành lập tổ đoàn kết. Đến năm 2010, khi ấy đội tàu tăng lên 10 chiếc tôi thành lập 3 tổ. Khi có thêm 6 chiếc gia nhập, tôi cộng công suất lại rồi chia thành lập 4 tổ như hiện nay”, ông Ninh trình bày.
Sớm thực hiện mô hình tổ đoàn kết trên biển nên đội tàu cá của ông liên tục ăn nên làm ra và tránh được những rủi ro trên biển. Mặc dù ông Ninh không trực tiếp đi biển, nhưng tại “tổng hành dinh” ông Ninh quán xuyến toàn bộ tình hình đánh bắt các tàu cá thông qua máy liên lạc tầm xa thông qua tổng đài liên lạc lắp đặt tại nhà, ông Ninh chia sẻ: “Ngồi ở nhà nhưng tôi quản lý được tất số tàu trong đội đang hành nghề khai thác đánh bắt tọa độ khác nhau; biết hôm này tàu này, tàu kia đánh bắt ra sao; biết tình hình máy móc các con tàu, sức khỏe các thuyền viên như thế nào. Khi có chiếc nào gặp sự cố cần giúp đỡ, tôi sẽ điều động những tàu đang đánh bắt gần đó chạy tới hỗ trợ ngay. Nhờ có sự tương trợ nên hoạt động đánh bắt của những tàu cá trong từng tổ, đội luôn suôn sẻ, mang lại hiệu quả cao”.
Cũng theo ông, trong hành trình khai thác trên biển xa, nếu tàu nào gặp luồng cá lớn, đánh bắt đã đầy khoang nhưng vẫn còn thì tôi điều ngay những tàu gần đó đến tiếp sức. Nếu gặp lúc biển đói, đánh bắt đã dài ngày mà chưa đầy hầm chứa thì sẽ gom cá của các tàu lại để 1 tàu chở về bờ, các tàu kia tiếp tục đánh bắt, bán cá xong tàu về bờ chở nhiên liệu, lương thực ra tiếp tế cho các tàu đang bám biển. “Làm cách này các tàu cá bớt được chi phí nhiên liệu vì không phải chạy ra chạy vào, bám biển được dài ngày nên đánh bắt hiệu quả”.
Sòng phẳng và bao dung.
Quy luật“ăn chia” trong cả đội tàu của ông cũng rất minh bạch nên thuyền viên ai cũng thỏa mãn và dốc hết lực làm việc. Ông Ninh ví dụ: “Nếu tàu có 15 người đi bạn, chuyến biển đó bán sản phẩm được 500 triệu, sau khi trừ tổn, số tiền còn lại được chia thành 26 phần, chiếc tàu được hưởng 11 phần, mỗi thuyền viên hưởng 1 phần. Riêng tài công, chủ tàu sẽ trích ra 1 phần để trả thêm, thu nhập của tài công luôn được hưởng gấp đôi thuyền viên”.
“Trong quá trình làm việc, quan điểm “bất di bất dịch” của tôi là chọn những người giỏi việc, năng nổ nhất là hiền lành, trung thực, không vị nể người thân. Đặc biệt, ưu tiên những người hoàn cảnh gia đình khó khăn, nếu như thấy họ có ý chí và gắn bó với mình thì tôi sẵn sàng cho họ hùn vốn vào 1/4 chiếc tàu. Vốn ở đây không phải là tiền mặt mà chỉ góp bằng miệng, để họ có trách nhiệm quản lý con tàu khi đánh bắt trên biển, số tiền này được trừ dần từng chuyến biển đến khi hết. Khi hoàn hết tiền hùn vốn, nếu họ cần phương tiện ra riêng hoặc cất nhà, dựng vợ gả chồng cho con, tôi cho nhận nợ và ứng tiền lo hết, rồi từ từ thu hồi lại dần, không hề thúc giục nên anh em thuyền viên rất quý mến và đều một lòng tận tụy với công việc”, ông Bùi Thanh Ninh chia sẻ thêm.
Ảnh kỷ niệm khi gia đình ông được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến động viên thăm hỏi vào ngày 21/2/2014
Diệp Bảo Sương (Cập nhật ngày 08-11-2016)
- Currently 1.00/5
Kết quả:
1.0/5 - (1 phiếu)- Xúc tiến thành lập Nghiệp đoàn nghề cá Tam Quan Bắc ( Hoài Nhơn) (25-10-2016)
- Hoài Nhơn: chú trọng phát triển đàn bò thịt chất lượng cao (19-10-2016)
- Kinh tế - xã hội huyện Hoài Nhơn 9 tháng đầu năm 2016 nhiều kết quả nổi bật (13-10-2016)
- Hiệu quả từ mô hình thâm canh lúa cải tiến trên đất thiếu nước ở xã Hoài Sơn. (29-09-2016)
- Thị trấn Bồng Sơn: Sức bật từ những công trình chỉnh trang đô thị. (20-09-2016)
BẢN QUYỀN THUỘC VỀ ỦY BAN NHÂN DÂN THỊ XÃ HOÀI NHƠN
Địa chỉ: 06 - Đường 28/3 - Phường Bồng sơn - TX.Hoài Nhơn - Bình Định
Tel:+84.0256.3761265 - Fax: +84.0256.3861094
Email: ubndthixahoainhon@hoainhon.binhdinh.gov.vn
Công tác viên gửi tin bài về địa chỉ email: uybannhandanthixahoainhon@gmail.com
Đường dây nóng thông báo sự cố về an toàn thông tin: 02563761265
Chịu trách nhiệm nội dung:Nguyễn Lê Anh Tuấn - Chánh Văn phòng HĐND và UBND thị xã