Không chỉ tâm đắc với cây dừa mà còn phải có tinh thần quyết đoán dám nghĩ dám làm, bắt đầu từ năm 2011 đến nay, ông Lê Xuân Bá (1957) ở thôn Tăng Long 2 xã Tam Quan Nam (Hoài Nhơn) đã chinh phục thành công vùng cát trắng ven biển quê nhà, bắt nó “nhả vàng”, mở ra nhiều cơ hội làm giàu từ cây dừa xiêm lùn da xanh cho người dân địa phương.

    Chúng tôi thật sự ngỡ ngàng và thán phục khi được ông vui vẻ dẫn tham quan vườn dừa xiêm lùn da xanh trĩu quả của mình được trồng từ năm 2012 trên diện tích 1 ha cát trắng cằn cỗi cạnh rừng phòng hộ ven biển thôn Tăng Long 2, xã Tam Quan Nam. Vừa đi ông vừa tâm sự: “Trong một dịp đi tham quan học hỏi thiết bị công nghệ, quy trình sản xuất chế biến các sản phẩm từ dừa, trong đó có mô hình trồng dừa xiêm lùn tại tỉnh Bến Tre, được tận mắt chứng kiến hiệu quả kinh tế của giống dừa xiêm cây lùn cho trái rất sai, mỗi buồng từ 30 - 40 trái lại thích nghi với nhiều loại đất nhiễm mặn, phèn, kể cả những vùng cát trắng bạc màu nên tôi quyết định mua 200 cây từ Trung tâm giống Đồng Gò, Giồng Trôm với giá 30.000 đồng/cây giống về trồng thử nghiệm.

    Để chuẩn bị xuống giống ông tiến hành khoan 4 giếng nước ngọt, san ủi và đổ thêm một lớp đất sỏi tạo mặt bằng ổn định trên cát và xung quanh hố trồng để hạn chế cát sụt lỡ lấp vào đọt dừa. Sau đó đào hố, mỗi hố trồng cách nhau khoảng 6 mvà có đường kính 1m, sâu 60cm. Để kích thích bộ rễ nhanh phát triển nên bón lót vào mỗi hố từ 10 - 15 kg phân hữu cơ hoai mục trước khi đặt giống. Sau khi trồng cần đóng cọc giữ cho cây khỏi lệch, dùng các vật liệu hữu cơ sẵn có như rơm, tàu dừa khô che chắn cho cây giữ ẩm và hạn chế xói mòn khi tưới thời kỳ đầu. Để dừa nhanh phát triển, nguồn “dinh dưỡng” chính cho dừa xiêm nói chung, dừa xiêm lùn nói riêng là phân hữu cơ kết hợp NPK bón thúc trong giai đoạn mới trồng. Khi dừa bắt đầu đâm bẹ, ra trái cần tiếp tục bồi thêm đất thịt vào gốc để giữ gốc bền chặt. Tuy nhiên, do thời gian đầu chưa lường hết một số bệnh của giống mới nên vẫn có hàng chục cây chưa kịp thích ứng dẫn đến bệnh vàng lá thối đọt, chết yểu làm cho tỷ lệ hao hụt hơn 20%. Ông Bá chia sẻ thêm: “Mặc dù là dân xứ dừa “chính gốc” nhưng lúc đầu cũng hồi hộp lắm nhưng đến khi dừa cho vụ trái đầu tiên tôi mới thật sự yên tâm”

Ông Lê Xuân Bá bên những cây dừa xiêm lùn da xanh mới ươm

    Khác với những loại dừa xiêm thông thường khi cây phát triển từ 7-10m mới cho quả, còn cả vườndừa xiêm lùn da xanh150 cây gần 4 năm tuổi của ông ken dày buồng,  trái chi chít oằn xuống chỉ cách mặt đất khoảng từ 0,5 - 1m, nên không cần leo trèo mà cũng hái được dừa. Dừa xiêm lùn da xanh trồng trên vùng đất cát ven biển khoảng chừng 3 năm là có trái, đặc biệt nước dừa có vị ngọt thanh đậm hơn một số giống truyền thống khác nên rất được người tiêu ưa chuộng. Trung bình mỗi tháng ông bán cho thương lái 1 lần, mỗi lần thu hoạch khoảng 600 trái với giá bán sỉ tại gốc là 15.000 đồng/trái. Cũng theo ông, giống dừa xiêm lùn da xanh này dễ chăm sóc và xử lý sâu bệnh nhất là giảm công trong khâu thu hoạch, rất phù hợp với những vùng đất cát ven biển.

    Ở Tam Quan Nam, ngoài vườn dừa của ông Bá, ở khu vực phía trước bãi tắm đối diện với Đồn Biên Phòng Tam Quan Nam cùng trên địa bàn thôn Tăng Long 2 còn có  1 ha trồng nguyên một giống dừa xiêm lùn da xanh trên cát cực kỳ xanh tốt đang trong thời kỳ cho trái chiến của ông Nguyễn Văn Dậu (1956), tuy xuống giống chậm hơn 1 năm nhưng nay trong số 130 cây thì đã có hơn 70% cây cho quả. Ông Dậu bày tỏ: “Xuất phát từ sự thành công của ông Bá cùng sự động viên giúp đỡ nhiều mặt của ông, tôi mạnh dạn đầu tư gần 100 triệu đồng mới có một vườn dừa “tương lai” bạc tỷ như ngày hôm nay và ông rất vui và cảm thấy quyết tâm của mình là đúng hướng và khi được hỏi có thấy lo về đầu ra, ông khẳng định: “Dừa Bến tre trồng bạt ngàn như vậy vẫn tiêu thụ tốt thì mình không sợ, với lại hiện nay ở Hoài Nhơn những vườn dừa xiêm lùn da xanh trồng tập trung như tôi và ông Bá mới chỉ đếm trên đầu ngón tay thì chắc chắn thương lái sẽ tự tìm đến vườn thu mua”.

Nguyễn Văn Dậu bên những cây dừa xiêm lùn da xanh trĩu quả của mình.

Nguyễn Văn Dậu bên những cây dừa xiêm lùn da xanh trĩu quả của mình. 

   Nói về hiệu quả kinh tế mang lại của giống dừa mới này, ông Bá không giấu giếm: “Phải 1 - 2 năm nữa thì việc cho trái mới thật sự ổn định, với dự kiến từ 150-200 trái/cây/năm, còn hiện nay lượng trái chỉ mới đạt khoảng từ 10-15trái/buồngvà tôi đang tự ươm giống để tiếp tục nhân rộng trên 0,5 ha diện tích còn lại, hướng tới cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân trên địa bàn”.


Diệp Bảo Sương  (Cập nhật ngày 31-08-2016)



  • Currently 1.00/5

Kết quả: 1.0/5 - (1 phiếu)

Các tin liên quan:
Ca khúc Hoài NhơnCông báo tỉnh Bình ĐịnhĐường dây nóngkêu gọi đầu tưVăn bản về phòng chống dịch covid -19Phản ánh kiến nghịdanhgiahailongDich vu cong truc tuyenThông tin tuyển dụngHướng dẫn cái đặt BlozoneTra cứu quy hoạchm  xây dựngNop Ho SoCông khai ngân sáchĐỀ TÀI KHOA HỌCCổng dịch vụ công quốc giaBộ thủ tục hành chính cấp huyệnBộ thủ tục hành chính cấp xãLuật thống kêTài liệu họp trực tuyếnNgười phát ngônHồ sơ đề xuất cấp GPMTĐánh giá công chứcThư xin lỗibản đồ hành chinh Việt NamBộ nhận diện Chuyển đổi sốDubaothoitiet

  Liên kết web