Tuy đưa vào trồng chưa được 10 năm nhưng cây bưởi da xanh ở xã Hoài Ðức (huyện Hoài Nhơn) đã dần bén rễ, mượt mà xanh trên vùng đất phù sa ven sông Lại. Nơi đây đã thành “thủ phủ” bưởi da xanh của huyện Hoài Nhơn. Sản vật nổi tiếng bưởi Bồng Sơn năm xưa giờ đã hồi sinh trên đất Hoài Ðức hôm nay.

            Từ bưởi Bồng Sơn - “vang bóng một thời”

     Từ những năm 80 của thế kỷ trước, người dân Bình Định (nói chung) Hoài Nhơn (nói riêng) mỗi khi nói về bưởi ngon, thì hầu như ai cũng nằm lòng chính đất bưởi Bồng Sơn, nhưng rồi một thời gian khá dài sau đó, do nhiều biến cố lịch sử và sự đổi thay của quê hương sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng khiến cho những vườn bưởi ngày xưa thưa dần và nếu còn sót lại cũng đã trong giai đoạn thoái hóa, hiệu quả kinh tế không cao nên bà con không còn mặn mà chăm sóc, từ đó đặc sản bưởi Bồng Sơn dần đi vào quên lãng.

Ông Lê Trung Thành, người dân gốc Trung Lương, hiện là chủ tịch Hội người cao tuổi thị trấn Bồng Sơn bồi hồi nhớ lại: “Đó là giống bưởi Thanh Trà, ruột thẳng, quả tròn vừa phải, nước nhiều, ngọt lịmăn vào thìkhông chê vào đâu được”. Còn nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, người con của Bồng Sơn thể hiện cách nhớ quê hương, dòng sông, sản vật quê mình bằng một ca khúc trữ tình với những ca từ da diết nếu ai đó đã một lần nghe qua thì khó có thể quên “:….mời cùng về Bồng Sơn, ghé thăm chợ quê mình, chợ trên cao ven sông có mùa trái cây đầu thu, ngọt hương thơm hương mít gợi nhắc nhở người xa, bưởi Trung Lương ta đó ngon thơm hương mật dòng sông….”

     Cụ Nguyễn Bá Phát (85 tuổi) ở Phụ Đức, cho chúng tôi biết thêm, hồi còn nhỏ nghe cụ nội ông kể rằng, vùng đất Phụ Đức-An Trung-An Tây-Trung Lương trước đây đầy cây hoang, cỏ daị, dân cư chủ yếu là người Champa, sống thưa thớt bên bờ sông Lại. Đến thế kỷ XVI người Việt từ đàng ngoài vào sinh cơ lập nghiệp mang theo một số giống cây trồng, trong đó có bưởi Thanh Trà. Thời đó ở xã Bồng Sơn (nay là thị trấn), gia đình nào cũng trồng ít nhất từ 5 gốc trở lên. Nơi trồng nhiều nhất là hai thôn Phụ Đức và Trung Lương với những vườn bưởi ngon trăm gốc nổi tiếng điển hình như bưởi nhà ông 2 Tựu, ông 4 Thuật (Trung Lương), cụ 3 Mẫn, cụ 2 Triều, ông 9 Huân (Phụ Đức) ngọt ngon “nức tiếng” một thời.

     Đến “thủ phủ” bưởi da xanh Hoài Đức

     Những ngày đầu tháng 7 này, chúng tôi có mặt trên vùng đất ven bờ nam sông Lại tại thôn Lại Khánh và Lại Khánh Tây xã Hoài Đức, nơi mà theo cách ví von pha lẫn chút tự hào của bà con nơi đây là “thủ phủ” bưởi da xanh hiện nay của Hoài Nhơn. Chị Võ Thị Hoa, chủ tịch Hội nông dân xã Hoài Đức phấn khởi cho biết: “Khởi nguồn phong trào trồng bưởi da xanh ở địa phương bắt đầu từ năm 2009, với mô hình “trồng cây có múi” do Hội nông dân phối hợp với Phòng nông nghiệp huyện triển khai thực hiên. Tuy nhiên thời điểm đó, mặc dù chúng tôi rất tích cực tuyên truyền vận đông bà con nông dân về giá trị của cây trồng mới cũng như các chế độ hỗ trợ của mô hình, thế nhưng cật lực lắm cũng chỉ vận động được hơn 10 hộ tham gia. Bởi nhiều người còn e dè “bán tin, bán nghi” và cho rằng giống bưởi da xanh chỉ phù hợp với thổ nhưỡng ở các tỉnh miền Nam, liệu có hiệu quả?  Thế rồi, sau 3 năm xuống giống, những vườn bưởi da xanh trong mô hình bắt đầu cho quả ngọt. Không những cây phát triển khá tốt, đồng đều mà tỷ lệ đậu quả khá cao, trên 90%. Trung bình mỗi trái khi chín có trọng lượng thấp nhất từ 1,5 kg trở lên còn chất lượng thì có thể ngon hơn cả bưởi đầu dòng”.

Ông Hồ Ngọc Thuận, ở thôn Lại Khánh, đang nâng niu những quả bưởi xanh to” khủng” trong vườn nhà.

     Để minh chứng cho cây bưởi da xanh thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất phù sa ven sông Lại này, chị Hoa dẫn chúng tôi đến tham quan khu vườn bưởi 7 năm tuổi của ông Nguyễn Ngọc Ánh, ở xóm Phú Nga thôn Lại Khánh Tây, hiện anh em “cột chèo” của ông đang sở hữu một diện tích trên 4.000 m2 đất trồng hơn 80 cây đang độ sung sức và đã cho thu hoạch hơn 3 năm qua, ông Ánh chia sẻ: “Bưởi da xanh rất thích hợp với vùng đất ven sông, nếu đủ điều kiện quang hợp và chăm sóc tốt thì chỉ hơn 2 năm bưởi sẽ ra trái chiến, từ năm thu hoạch thứ 2 trở đi cây cho trái ổn định, mùa sau sai hơn mùa trước. Nếu canh tác theo đúng kỹ thuật, cây sẽ cho năng suất rất cao. Bưởi da xanh ra hoa vào đầu tháng giêng, chín vào cuối tháng 7 âm lịch, đó là vụ chính còn ra trái quanh năm. Điều đặc biệt, dù còn xanh hay đã chín bưởi vẫn mang lớp áo màu xanh mượt, nhiều bà con mua về chưng trên mâm cổ, bàn thờ tổ tiên hành tháng nhưng da bưởi không hề chuyển màu hoặc bị vàng úa. Ở đây, ngoài anh em tôi ra còn có chục hộ trồng bưởi da xanh từ 30-40 gốc trở lên đã cho hiệu quả kinh tế khá cao mỗi năm như hộ ông Vinh, ông Thức, 2 Tình, 5 Trí, 2 Vân, 3 Thức…tất cả đều có chung niềm vui nhân đôi sau những mùa bưởi bội thu”.

Hình ảnh bao quát các vườn bưởi mới trồng và cho tráí trên khắp địa bàn xã.  

     Được biết, vào cuối năm 2009 khi tham gia mô hình, lúc ấy ông Ánh còn là thầy giáo, hiệu trưởng trường THCS Hoài Mỹ nên việc chăm nom đầu tư phân bón cho cây bưởi còn hạn chế chưa phát huy năng suất của cây trồng mới, nhưng khi chúng tôi gợi ý muốn biết về khoản thu nhập từ vườn bưởi mấy năm vừa rồi, ông Ánh chẳng chút ngại ngần cho biết: “Do được trồng trên đất phù sa màu mỡ nên trái bưởi khá to, vỏ mỏng, ruột đỏ, nhiều nước và rất ngọt nên thương lái rất thích, số bán lẻ trong năm cho bà con địa phương thì tôi không nhớ hết được, nhưng vụ chính xuất bán sa cạ một lần (cả vườn) cho thương lái, sau khi trừ một số chi phí nhỏ, trung bình mỗi năm, riêng vườn bưởi 50 gốc của tôi cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng/năm với giá bán ổn định từ 25.000 - 30.000 đồng/kg loại 1, nếu so giá với nhiều loại trái cây bản địa có giá trị thì khó có loại nào vượt qua được, vào vụ chỉ cần “Alô” một tiếng là “sạch vườn” ngay”. Trước khi chia tay, ông Ánh còn nhắn gửi trong niềm vui tin tưởng, giờ thì tôi đã nghỉ hưu, các con đã có việc làm nơi ăn, chốn ở ổn định rồi, nhà chỉ còn 2 vợ chồng và vườn bưởi, mùa sau nếu các anh đến chắc chắn thu nhập sẽ không chỉ dừng lại con số 40 triệu đâu”.

    Nhắc đến phong trào trồng bưởi da xanh ở Hoài Đức những năm qua, không thể không nhắc đến ông Hồ Ngọc Thuận, ở thôn Lại Khánh - người đang sở hữu 40 gốc bưởi da xanh 5 năm tuổi được trồng trên 1.000m2 bao quanh vườn nhà cực kỳ xanh tốt và bụ bẫm, tuy năm nay nắng nóng khá gay gắt nhưng trên mỗi cây có gần trăm quả bưởi xanh tròn treo lúc lĩu, có cây do nhiều trái quá to kéo nhánh sà chạm đất. Nếu được tận mắt “chiêm ngưỡng” thì chân chẳng thể  bước nhanh ra khỏi vườn.

     Dù hiện nay chưa đến thời điểm xuất bán nhưng vườn bưởi của ông đã có thương lái đến đặt cọc. Ông Thuận cười xởi lởi: “Nói thiệt với chú chứ đã 3-4 mùa bưởi trôi qua nhưng không mùa nào nhà có trái bưởi thật ngon dành để thưởng thức hoặc tặng biếu cho bà con anh em ăn lấy thảo, bởi khi xuất bán thì tư thương bao luôn cả vườn, có chăng thì cũng chỉ nếm được những quả trái mùa thôi”. Do được đầu tư chăm sóc đúng quy trình cộng với nguồn giống tốt, liên tục trong 4 vụ thu hoạch vừa qua, mỗi cây bưởi trong vườn ông cho thu nhập bình quân khoảng 2 triệu đồng. Cá biệt, có cây cho thu hoạch trên 3 triệu đồng/năm. Còn vườn bưởi da xanh hơn 60 gốc liền kề của 3 anh em Huỳnh Văn Tín, Huỳnh Văn Mười và Huỳnh Văn Dư được trồng từ năm 2006, nhiều gốc có đường kính gần 40-50 cm cho thu nhập “khủng” từ nhiều năm qua, anh Tín giải bày: “Khoảng 10 năm về trước, ở quê thiếu việc làm tôi theo anh em vào miền Nam làm thợ hồ và may mắn tiếp cận và học được  kỹ thuật trồng bưởi da xanh, khi trở về, tôi mua liền một lúc 60 nhánh tại vườn giống cấp 1 Bến Tre về trồng. Không ngờ sau hơn 2 năm cần mẫn chăm sóc “cây thương người, hít đất” nhanh đâm chồi nảy lộc và cho thu hoạch liên tục 5 năm nay. Anh Tín chia sẻ: “Trồng bưởi da xanh cho quả kinh tế khá cao, mỗi cây có thể thu nhập vài triệu đồng là chuyện bình thường. Nuôi hoặc trông cây, con gì cũng vậy, nếu không vượt qua những khó khăn, trắc trở ban đầu và không tận tâm, tận lực với nó thì không thể thành công theo ý muốn của mình được. Điều đặc biệt hơn là vườn bưởi của anh không cho trái vào đầu thu, chỉ cho trái mùa xuân nên mỗi năm, anh có thu nhập trên 40 triệu đồng/năm, cao gấp đôi so với vườn bưởi chính vụ, đó là chưa kể khoản thu từ 30 gốc của hai đứa em bên cạnh. Anh Tín còn khẳng định chắc nịch, bưởi của anh không cần phải “tiếp thị” đến mùa tư thương đến tận vườn mua hỏi nườm nượp mà không cần phải mời gọi chào hàng, các siêu thị ở Quy Nhơn và Quảng Ngãi cũng phái người lặn lội tìm tận nơi hợp đồng đặt hàng nhưng anh em chúng tôi chưa dám nhận vì sợ không đủ hàng cung cấp cho họ”.

Nói về tính lan tỏa của mô hình trồng bưởi da xanh ở địa phương trong thời gian qua, chị Võ Thị Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã tâm sự: “Là người đã có hơn 15 năm triển khai, thực hiện nhiều chương trình khuyến nông giúp bà con nông dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng với hàng chục mô hình “cây, con, giống” nhưng chưa có mô hình nào có sức sống bền lâu và tự thân nhân rộng như mô hình bưởi da xanh. Dù thời gian qua, phong trào trồng bưởi da xanh ở đây liên tục phát triển nhưng tất cả đều được bà con trồng trên những vùng đất mới nên không xảy ra hiện tượng phá bỏ những vườn cây ăn quả truyền thống để rồi, không may “mất cả chì lẫn chài” như nhiều địa phương khác. Đó là ý thức “cảnh giác” của bà con rất đáng trân trọng. Hiện trên địa bàn đã có 28 hộ trồng bưởi da xanh trên diện tích xấp xỉ gần 4 ha, trong số đó có hơn 10 hộ trồng từ 40 gốc trở lên, đó là chưa kể đến hàng chục vườn da xanh vừa được bà con cấy ghép cải tạo lại giống theo thị hiếu của người tiêu dùng và trồng mới theo quy mô gia đình với tổng diện tích hơn 2 ha tại 3 thôn Bình Chương, Văn Cang và Văn Khánh Đức. “Với tín hiệu lạc quan này, dự kiến trong thời gian tới, Hội sẽ tham mưu với ngành cấp trên và chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch thành lập câu lạc bộ trồng bưởi da xanh để các hộ được hỗ trợ kỹ thuật canh tác hạn chế rủi ro, nâng cao chất lượng sản lượng bưởi, góp phần mang lại thu nhập cao hơn cho các bà con”, chị Hoa cho biết thêm.

     Để trở thành vùng bưởi đặc sản da xanh.

     Trò chuyện với những nông dân trồng bưởi da xanh và các anh lãnh đạo xã Hoài Đức trong những lần tiếp cận vừa qua thì hầu như ai cũng khẳng định hiệu quả kinh tế khá cao của loại cây này, tuy nhiên ông Nguyễn Văn Thắm, Phó chủ tịch UBND xã Hoài Đức vẫn còn nhiều trăn trở: “Mặc dù hiệu quả kinh tế từ cây bưởi da xanh đã quá rõ, nhưng để phát triển địa phương trở thành một vùng đặc sản bưởi da xanh của huyện trong thời gian tới thì phải có một lộ trình dài, bước đi bài bản, kế hoạch cụ thể, phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội của địa phương, nhất là cần có sự quan tâm vào cuộc của các ngành chức năng cấp trên. Là lãnh đạo địa phương chúng tôi cũng mơ ước điều này sớm trở thành hiện thực, thế nhưng, trên thực tế, cây bưởi da xanh gần như đã hiện diện trên khắp mọi miền đất nước, liệu thị trường có mãi “êm đềm” khi sản lượng ngày một tăng?  trong khi đó cây bưởi da xanh mới được người dân địa phương đưa về trồng trong vài năm gần nên chúng tôi cần phải tiếp tục theo dõi đánh giá năng suất chất lượng quả bưởi trên nhiều nền đất của địa phương, nếu ổn định thì mới vận động bà con thực hiện các bước tiếp theo”. 


Diệp Bảo Sương  (Cập nhật ngày 18-07-2016)



  • Currently 1.00/5

Kết quả: 1.0/5 - (1 phiếu)

Các tin liên quan:
Ca khúc Hoài NhơnCông báo tỉnh Bình ĐịnhĐường dây nóngkêu gọi đầu tưVăn bản về phòng chống dịch covid -19Phản ánh kiến nghịdanhgiahailongDich vu cong truc tuyenThông tin tuyển dụngHướng dẫn cái đặt BlozoneTra cứu quy hoạchm  xây dựngNop Ho SoCông khai ngân sáchĐỀ TÀI KHOA HỌCCổng dịch vụ công quốc giaBộ thủ tục hành chính cấp huyệnBộ thủ tục hành chính cấp xãLuật thống kêTài liệu họp trực tuyếnNgười phát ngônHồ sơ đề xuất cấp GPMTĐánh giá công chứcThư xin lỗibản đồ hành chinh Việt NamBộ nhận diện Chuyển đổi sốDubaothoitiet

  Liên kết web