Xây dựng bản đồ di sản, số hóa du lịch để thu hút du khách từ xa
Sáng nay (26.10), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức "Hội nghị - Hội thảo Chuyển đổi số của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch". Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến tại Hà Nội và các điểm cầu trên cả nước với sự tham gia của hơn 120 đại biểu, lãnh đạo các cơ quan quản lý trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch.
Ban tổ chức đã nhận được gần 40 tham luận về chuyển đổi số thuộc tất cả các lĩnh vực, từ văn hóa di sản, bảo tàng, điện ảnh, bản quyền đến thể thao, du lịch và vấn đề an toàn, an ninh thông tin trong chuyển đổi số.
Hình thành hệ sinh thái số
Phát biểu tại sự kiện, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Trưởng ban chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ đã có nhiều chỉ đạo liên quan tới chuyển đổi số của ngành, đồng thời, ký ban hành Chương trình Chuyển đổi số của Bộ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Bộ và hướng tới nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; xây dựng, phát triển văn hóa số, góp phần hình thành thế hệ công dân số cho tương lai, hướng tới kinh tế số và xã hội số.
Khai trương Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. |
Ông Hoàng Đạo Cương cũng cho biết, Bộ có 3 dự án cốt lõi trong công tác chuyển đổi số. Đó là hệ thống xây dựng nền tảng số và hạ tầng lưu giữ hệ thống máy chủ; dự án về số hóa các di sản văn hóa và dự án chuyển đổi số trong ngành Du lịch. Theo đó, Bộ sẽ xây dựng thành bản đồ số về hệ thống các di tích, danh lam thắng cảnh, điểm đến hấp dẫn của Việt Nam.
“Chúng ta có một kho tàng di sản rất đồ sộ với 3.500 di tích quốc gia, hơn 4.000 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và với 8.000 lễ hội truyền thống... Tất cả các dữ liệu này, chúng tôi hy vọng, thời gian tới, sẽ dần dần được số hóa và trở thành tài sản để chúng ta dựa vào đó phát huy, đồng thời, dựa vào đó để bảo tồn, duy trì", Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.
Về vấn đề số hóa, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sở hữu lợi thế vô cùng đặc biệt so với các ngành khác vì ngành này không chỉ phục vụ cho gần 100 triệu người Việt Nam mà còn cơ hội phục vụ cho khoảng 8 tỷ khách hàng tiềm năng trên toàn thế giới.
“Công nghệ thực tế ảo cho phép cung cấp dịch vụ trực tuyến từ xa, người dân trên toàn thế giới có điều kiện trải nghiệm văn hóa Việt Nam, không khoảng cách, không có giới hạn về mặt ngôn ngữ. Đây cũng là sứ mệnh của ngành về bảo tồn di sản, đưa các giá trị văn hóa của Việt Nam ra toàn thế giới”, ông Nguyễn Huy Dũng nói.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, có 3 nền tảng số quan trọng được Thủ tướng Chính phủ giao trong chiến lược quốc gia năm 2022, đó là nền tảng số về du lịch, quản trị và kinh doanh du lịch. Nền tảng này cung cấp một hình thức kinh doanh du lịch mới cho hàng triệu doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú và cơ sở du lịch trên cả nước.
Quảng bá di sản, thu hút du khách từ xa
Tại hội nghị - hội thảo, ngoài việc khẳng định vai trò to lớn của việc chuyển đổi số giúp ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch có sự “lột xác” ngoạn mục, đặc biệt là sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, các đại biểu cũng nêu lên những thách thức và mục tiêu xa hơn cho việc thực hiện chuyển đối số trong các lĩnh vực.
Phần lớn đại biểu tham dự chương trình đều có chung nhận định, những thành công bước đầu của việc triển khai chuyển đổi số đã có tác động rất rõ ràng, đặc biệt là trong thời gian thử thách của đại dịch Covid-19. Hàng nghìn lượt khách tham quan ngồi tại nhà trong mùa giãn cách vẫn có thể xem được nhiều triển lãm chuyên đề của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hay xem biểu diễn nghệ thuật trực tuyến từ các nhà hát; hoặc được hướng dẫn các bài tập thể dục trực tuyến tại gia đình...
Bên cạnh một số thành tựu, các đại biểu cũng nêu những khó khăn, bất cập khi thực hiện chuyển đổi số. Đại diện Cục Quản lý di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, việc xây dựng kho dữ liệu chưa thường xuyên, liên tục và bền vững; phần mềm dùng chung còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Trong khi đó, đứng ở góc độ quản lý địa phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Thanh Hải bày tỏ, việc số hóa các di tích, di sản còn thiếu đồng bộ, thiếu nhân lực cũng như việc số hóa vẫn còn khá đơn giản.
Vì thế, phần lớn đại biểu cho rằng, thời gian tới, để việc số hóa đạt được hiệu quả như mong muốn, cần sự vào cuộc của tất cả các ngành để công cuộc chuyển đổi đồng bộ và có chiều sâu hơn, từ đó có thể giúp cho việc quảng bá thông tin, hình ảnh điểm đến, các di tich, di sản Việt Nam phong phú, đa dạng và hấp dẫn hơn để thu hút du khách.
Tại hội nghị - hội thảo, Ban tổ chức cũng khai trương Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hệ thống được triển khai theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhằm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước về chế độ báo cáo của Bộ một cách thuận tiện, nhanh chóng.
Hệ thống cũng nhằm hỗ trợ các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các sở văn hóa, thể thao và du lịch của 63 tỉnh, thành phố thực hiện cập nhật, tổng hợp số liệu báo cáo thống kê theo các biểu mẫu của đơn vị trực tiếp trên phần mềm.
theo baobinhdinh,vn (Cập nhật ngày 26-10-2022)
- Currently 3.00/5
Kết quả:
3.0/5 - (1 phiếu)BẢN QUYỀN THUỘC VỀ ỦY BAN NHÂN DÂN THỊ XÃ HOÀI NHƠN
Địa chỉ: 06 - Đường 28/3 - Phường Bồng sơn - TX.Hoài Nhơn - Bình Định
Tel:+84.0256.3761265 - Fax: +84.0256.3861094
Email: ubndthixahoainhon@hoainhon.binhdinh.gov.vn
Công tác viên gửi tin bài về địa chỉ email: uybannhandanthixahoainhon@gmail.com
Đường dây nóng thông báo sự cố về an toàn thông tin: 02563761265
Chịu trách nhiệm nội dung:Nguyễn Lê Anh Tuấn - Chánh Văn phòng HĐND và UBND thị xã