Một góc quê hương Hoài Thanh hôm nay.

    Chúng tôi trở lại xã Hoài Thanh (Hoài Nhơn) trong những ngày thu tháng tư lịch sử - mảnh đất gắn với nhiều sự kiện hào hùng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ nay đang từng bước vươn lên mạnh mẽ.

    Đất Anh hùng.

    Mặc dù chiến tranh đã đi qua non gần 1/2 thế kỷ, nhưng mỗi khi nhắc đến Trường Lâm – nay là địa bàn của 4 thôn: Trường An 1, Trường An 2, Lâm Trúc 1 và Lâm Trúc 2 - mảnh đất nhỏ gắn liền với những năm tháng hào hùng của thời chống Mỹ đầy gian khổ hy sinh nhưng rất đỗi tự hào của nhân dân xã Hoài Thanh nói chung - người Trường Lâm trước đây nói riêng! Gò Dương, gò Gai, gò Tháp, gò Mun, gò Nghiêm, Hòn Nhọn, Trụ sở Ngụy quyền xã... mỗi địa danh đều gắn liền với những chiến công hiển hách của quân và dân Hoài Thanh. Và, cũng chính trên mảnh đất này, tháng 8/1969 tại nhà bà Lê Thị Đặng (Trường Lâm) Đội du kích quyết tử mang tên Chim Én được thành lập với những trận đánh khiến quân thù nhiều phen “thất điên, bát đảo”, khiếp sợ trong từng giấc ngủ - những đội viên mà sau này đã trở thành những người con anh hùng của đất mẹ Hoài Thanh như Phạm Thị Đào, Võ Thị Huy, Nguyễn Thị Ngân, Nguyễn Trọng, Võ Văn Phước...

    Thời đó bọn địch coi Trường Lâm là “làng cộng sản chìm” nên bọn chúng “chăm sóc” khá kỹ nơi đây bằng nhiều trận địa hỏa lực từ biển cũng như trên đất liền nhằm tàn phá, cày xới mảnh đất này thành bình địa để du kích và quân giải phóng không còn nơi trú ẩn. Khởi đầu từ cuối năm 1964, địch mở trận càn khốc liệt với 20 xe tăng M113. một tiểu đoàn quân cộng hòa, một đại đội bảo an từ Đệ Đức- Hoài Tân càn về hòng san bằng Trường Lâm. Thế nhưng, chúng đã bị chặn đứng trước sự tấn công quyết liệt đầy mưu trí của du kích địa phương và Đại đội 3- Sư đoàn 3 Sao Vàng. Trận này ta đốt cháy và phá hủy 12 xe bọc thép, tiêu diệt gần như toàn bộ đại đội bảo an địch. Bị tổn thất nặng nề, hôm sau địch quay lại lùng sục và bắt đi trên 50 người dân Trường Lâm đem ra trũng Bầu Lưới (Lâm Trúc) tra khảo và bắn chết 42 người. Từ 28 tháng Chạp đến mồng 3 tết (Đinh Mùi) năm 1967, hơn một tiểu đoàn quân Mỹ và 2 tiểu đoàn Ngụy đổ bộ xuống các cao điểm đồi Nghiêm, đồi Mỹ, Đồi A, hòn Bồ du kích địa phương phối hợp với Trung đoàn 22, bộ đội Sư đoàn 3 Sao Vàng chống trả quyết liệt. Trận đánh diễn ra dữ dội và vô cùng ác liệt. Đến 6 giờ chiều hôm đó trận địa của Mỹ, Ngụy tan rã, được sự yểm trợ của hỏa lực và trực thăng, những tên còn sống sót tháo chạy về trung đoàn 40 ở sân bay Đệ Đức, bỏ lại chiến địa trên 350 xác lính Mỹ, lính bảo an, cộng hòa.

   Do nhiều lần thất bại thảm hại tại Trường Lâm, địch điên tiết dội xuống mảnh đất này hàng trăm tấn bom đạn. Những năm tháng ấy, đất Hoài Thanh chín đỏ vì khói lửa chiến tranh nhưng người dân vẫn gan lì bám trụ quê hương, giữ vững phong trào cách mạng. Với những chiến công đó, cuối năm 1970 thôn Trường Lâm được phong tặng danh hiệu “Thôn Thành Đồng” trở thành thôn đầu tiên của huyện Hoài Nhơn đón nhận danh hiệu cao quý này và 3 năm sau – vào ngày 20/12/1973 – xã Hoài Thanh được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Sau ngày miền Nam hoàn toàn thống nhất, Hoài Thanh có trên 780 liệt sĩ, 179 mẹ Việt Nam Anh hùng ( hiện còn sống 21), 715 thương binh hơn 1.000 gia đình có công cách mạng! Thật là một sự hy sinh cống hiến vô cùng to lớn không gì bù đắp được...

    Hoài Thanh hôm nay.

    Ông Đinh Minh Đức, Bí thư Đảng ủy xã Hoài Thanh, rất đổi tự hào xen lẫn ví von: “Trước đây, người ta bảo rằng, đất Hoài Thanh nói chung, Trường Lâm nói riêng trồng mì thì phải dùng chồ gỗ đóng hom mới cắm vào đất được. Bởi vùng đất nơi đây có trên 20 gò đồi toàn là sỏi cơm và những mảng - vạt đá ong dày đặc, lại bị bom đạn chiến tranh cày đi, xới lại nhiều lần thiếu vắng những bóng cây cổ thụ làm cho đất đai nơi đây vốn đã bạc màu lại càng thêm khô cằn hoang hóa. Thế nhưng, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và truyền thống chịu thương chịu khó của người dân, Hoài Thanh hôm nay đã khác khoát lên mình một tấm áo xanh bạt ngàn của keo lai, đào ghép, tiêu và những vườn dừa xanh trải dài khắp một vùng quê rộng lớn”.

    Ông Nguyễn Văn Tần - Trưởng thôn Lâm Trúc 2 tâm sự: “Nơi đây là một vùng đầm nước, những năm chiến tranh cá nhiều vô kể nhưng người dân đâu dám đánh bắt. Đã có không ít người chết oan uổng trên vùng đầm nước này bởi địch cho rằng đó là cộng sản hoạt động thám thính. Nay đã được quy hoạch thành vùng nuôi cá, tôm, cua có khoảng trên 10 ha mặt nước. Phần lớn dân Lâm Trúc 1 và Lâm Trúc 2 sống chủ yếu bằng nghề khai thác biển, nuôi trồng thủy sản và làm một số dịch vụ nhỏ như buôn bán xăng dầu, nước đá; chế biến nước mắm, sửa chữa tàu, ghe.... Hoài Thanh hiện có 201 tàu cá, với công suất trên 95.000 CV, trong đó có 8 tàu vỏ thép được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính Phủ, sản lượng khai thác hàng năm đạt trên 7.500 tấn hải sản.

    Chủ tịch UBND xã Hoài Thanh Nguyễn Văn Thuận cho biết thêm: “Thời gian qua, cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước như chương trình các xã bãi ngang, chương trình kiên cố hóa trường lớp học, kênh mương, đường giao thông, các dự án đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi đã và đang thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển mạnh mẽ, đời sống của nhân dân không ngừng được tăng lên. Hiện nay, 100% số hộ trong xã được sử dụng điện lưới Quốc gia, 80% hộ gia đình có nhà xây từ cấp 4 trở lên và các phương tiện nghe nhìn, 96,29% dân số được sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh. Hệ thống trường lớp học, cơ sở y tế, đường giao thông, thủy lợi… từng bước được đầu tư, xây dựng đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu sản xuất và dân sinh cho nhân dân. Toàn xã đã có 3/4 trường học được công nhận đạt chuẩn Quốc gia”.

    Trong phát triển kinh tế, xã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp thương mại, dịch vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình vỗ béo bò, mô hình sản xuất chuyên canh tập trung có giá trị kinh tế cao như cây tiêu, dừa xiêm xanh, hoa thiên lý. Toàn xã hiện có 227 cơ sở dịch vụ sản xuất kinh doanh như đóng tàu, chế biến gỗ, sản xuất đá lanh, nước mắm, bún số 8, bánh tráng nước dừa…hoạt động có hiệu quả, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Thu nhập bình quân người dân hàng năm (kể cả hộ làm ngư nghiệp) đến cuối năm 2016 đạt 27 triệu đồng/người/năm.Với đường lối chỉ đạo đúng đắn, cùng sự tích cực chủ động của mỗi người dân trong phát triển kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 9 %, xã đã hoàn thành 12/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và theo kế hoạch từ nay đến cuối năm 2017, xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, đây chính là minh chứng đậm nét cho truyền thống Anh hùng cách mạng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hoài Thanh.

Ảnh:Trường THCS Hoài Thanh đạt chuẩn cấp độ 2

   Về lại Hoài Thanh trong những ngày tháng 4 lịch sử này, gợi lên trong tôi những giai điệu tình cảm thiết tha từ bài ca gợi nhớ về một thời bi tráng của đất mẹ anh hùng năm xưa: “Nơi đây một thời giặc gọi là Trường Lâm đỏ. Dân ta tự hào gọi đó Trường Lâm yêu thương. Đằng đẵng mười năm lặng thầm giấu nuôi cán bộ. Trong những căn hầm chìm sâu dưới tầng đá ong... Tình người Trường Lâm một vùng đất thép! Đã khảm vàng lên Hoài Thanh hai chữ thành đồng... Xưa qua Trường Lâm đất dày bom đạn. Một vùng hoang trắng máu thắm đường vào. Nay về Trường Lâm xanh xanh mở lối. Người mong người đợi mừng vui tái tê...”.

Ảnh: Khu lưu niệm nơi thành lập lực lượng vũ trang tỉnh Bình Định được xây dựng trên đỉnh gò Đình thuộc thôn Trường An 2 xã Hoài Thanh (Nơi đây, từ ngày 17 đến ngày 19/7/1945, Hội nghị Ủy ban vận động cứu quốc tỉnh lần thứ hai đã quyết định xây dựng các đội tự vệ cứu quốc, tự vệ sắt làm nòng cốt cho phong trào khởi nghĩa vũ trang, đánh dấu sự ra đời của lực lượng vũ trang Bình Định).


Diệp Bảo Sương  (Cập nhật ngày 28-04-2017)



  • Currently 2.00/5

Kết quả: 2.0/5 - (2 phiếu)

Các tin liên quan:
Ca khúc Hoài NhơnCông báo tỉnh Bình ĐịnhĐường dây nóngkêu gọi đầu tưVăn bản về phòng chống dịch covid -19Phản ánh kiến nghịdanhgiahailongDich vu cong truc tuyenThông tin tuyển dụngHướng dẫn cái đặt BlozoneTra cứu quy hoạchm  xây dựngNop Ho SoCông khai ngân sáchĐỀ TÀI KHOA HỌCCổng dịch vụ công quốc giaBộ thủ tục hành chính cấp huyệnBộ thủ tục hành chính cấp xãLuật thống kêTài liệu họp trực tuyếnNgười phát ngônHồ sơ đề xuất cấp GPMTĐánh giá công chứcThư xin lỗibản đồ hành chinh Việt NamBộ nhận diện Chuyển đổi sốDubaothoitiet

  Liên kết web